Người dân làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa
Ông Long nói: Những ngày vừa qua dư luận bàn rất nhiều về lương hưu của cô giáo sau 37 năm công tác về hưu được nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Ở vị trí người nghiên cứu nhiều về chính sách BHXH, tôi không ngạc nhiên về mức lương này vì nó dựa trên cơ sở mức đóng và tỉ lệ hưởng.
Cô Lan có 22 năm 8 tháng đóng bảo hiểm, tỉ lệ hưởng là 69% lương bình quân là cao so với tỉ lệ hưởng lương hưu chung ở VN (mức hưởng chung khoảng 56% lương bình quân), và cũng cao hơn so với nhiều nước xung quanh chúng ta như Thái Lan, Indonesia vì tỉ lệ hưởng lương hưu chung của họ chỉ trên 30% lương bình quân.
Phải tách bạch các quỹ
* Mức hưởng cao nhưng với mức lương như của cô giáo Lan thì rõ ràng người về hưu sẽ khó đạt mức sống tối thiểu. Cách làm của các nước xung quanh như thế nào mà tỉ lệ hưởng thấp như vậy nhưng người về hưu vẫn sống được, thưa ông?
– Hiện nay người lao động VN đóng quỹ hưu trí và tử tuất là 22% lương theo hợp đồng, tính cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mới khoảng 26-27%, trong khi tỉ lệ đóng bảo hiểm hưu trí của Thái Lan và Indonesia chỉ khoảng 18%.
Nhưng Quỹ BHXH của VN bao phủ 5 loại quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, bảo hiểm thất nghiệp và quỹ hưu trí tử tuất, tức là bao phủ tất cả những gì phát sinh liên quan đến người lao động.
Ở Thái Lan thì quỹ nào riêng quỹ đó, quỹ thất nghiệp riêng, thai sản riêng. Tại Thái Lan có hệ thống bao phủ cho tất cả những người từ 60 tuổi trở lên được nhận 800 baht/tháng, tương đương khoảng 20 USD, sau đó là lương hưu riêng của từng người được chi trả theo hướng đóng nhiều hưởng nhiều và ngược lại. Khoản 800 baht này lấy từ ngân sách nhà nước và các khoản đầu tư dôi dư của quỹ BHXH.
* VN chưa có khoản tài chính bao phủ cho người từ 60 tuổi trở lên như Thái Lan, với lương hưu như hiện nay thì đời sống người về hưu có khó khăn không, theo đánh giá của ông?
– Qua khảo sát của chúng tôi, hiện có khoảng 25% người cao tuổi có lương hưu, khoảng 30% nữa có trợ cấp xã hội và các khoản hỗ trợ khác, tính chung có 55% có lương hưu và các khoản trợ cấp. Số còn lại gần 1/2 người cao tuổi không có khoản hỗ trợ nào.
Từ năm 2013 thì có chính sách hỗ trợ cho tất cả những người từ 80 tuổi trở lên mức 270.000 đồng/tháng, người từ 60-79 tuổi neo đơn, không có lương hưu và các khoản hỗ trợ cũng được nhận mức trợ cấp này. Theo tôi biết đã có trên 90% người từ 80 tuổi trở lên được nhận trợ cấp này, còn người từ 60-79 tuổi neo đơn cũng có khoảng 30% được nhận.
Đúng là lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng quá thấp, chưa đủ xăng xe chứ đừng nói ăn uống. Nhưng chính sách BHXH là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Thời điểm này tôi nghĩ nếu tăng độ phủ BHXH, có thêm nhiều người tham gia bảo hiểm thì nguồn quỹ sẽ dồi dào hơn, tạo được nguồn quỹ cho sau này.
Hiện nước ta có khoảng 58 triệu người lao động, nhưng số đóng BHXH chỉ khoảng 13,5 triệu, tức chưa đến 25% người lao động. Ngoài ra, quỹ BHXH phải đầu tư như thế nào cho hiệu quả, tăng được khả năng chi cho người về hưu về sau này.
Tạo niềm tin cho người đóng
* Những ngày vừa qua khi bàn về lương hưu, nhiều người băn khoăn họ cũng muốn lương hưu cao, nhưng lại lo quỹ BHXH bị sập thì nguồn tài chính họ đã đóng sẽ không đảm bảo. Theo ông, có xảy ra điều đó hay không?
– Luật BHXH 2014 đã có câu “Nhà nước đảm bảo quỹ BHXH”, nhưng nếu bảo hiểm làm rõ được tiền của ai đóng bảo hiểm, mức hưởng ra sao khi người ta về hưu thì người ta sẽ đóng BHXH nhiều.
Ngay tôi là người tham gia xây dựng và phản biện nhiều văn bản, khi đọc Luật BHXH cũng thấy nhiều cái làm mình rối tung đầu, như từ 1-1-2018 thực hiện gì, từ 1-1-2021 thực hiện gì…, trong khi lẽ ra luật này phải khiến người ta thấy dễ hiểu, dễ thực hiện.
Tôi được biết ngành bảo hiểm đang có dự định làm “tài khoản cá nhân” của người đóng BHXH, như họ đã đóng bao nhiêu, chủ sử dụng lao động đóng bao nhiêu… Nếu có những thông tin như số tiền họ đóng đã được đầu tư vào việc gì, dự kiến khi về hưu sẽ được hưởng ra sao… thì người ta sẽ yên tâm và sẽ tham gia ngay.
Nguồn: tuoitre.vn