Khám trái tuyến được BHYT thanh toán 50%
Sáng 24.10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình Quốc hội (QH) dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT. Tại tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế cho biết các quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KCB) ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến hiện hành có nhiều vướng mắc, bất cập. Theo đó, luật quy định việc đăng ký cơ sở KCB BHYT ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp nhưng chưa tạo điều kiện để người dân có thể đến KCB tại tất cả các cơ sở KCB BHYT ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn trong nội tỉnh. Người bệnh chưa được tự đi khám và điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo ở tuyến trên, trong khi cơ sở tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn và đều phải chuyển tuyến.
Ngoài ra, luật Khám bệnh, chữa bệnh mới ban hành năm 2023 quy định 3 cấp chuyên môn kỹ thuật (ban đầu, cơ sở, chuyên sâu) thay cho 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật (tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến T.Ư – PV); do đó, cần sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan để bảo đảm tính đồng bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy ban Thường vụ QH đã có ý kiến chỉ đạo về việc nghiên cứu giải pháp quy định để người dân có thẻ BHYT có thể đi KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào mà không phải làm thủ tục chuyển tuyến. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng hiện nay chưa thể thực hiện được ngay việc này mà cần có giải pháp để giữ ổn định hệ thống KCB và có thời gian nghiên cứu thêm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt phải tăng cường năng lực, quan tâm đãi ngộ cho y tế cơ sở.
Dù vậy, tại dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất một số phương án “mở có lộ trình”, đó là người bệnh khám trái tuyến ở bệnh viện (BV) tuyến tỉnh được BHYT thanh toán 50% (luật hiện hành không thanh toán – PV) chi phí khám ngoại trú, bên cạnh chế độ thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú hiện hành.
Cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… được lên thẳng cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn và vẫn được thanh toán 100%. Đồng thời, trường hợp cấp cứu tại tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc được thanh toán 100% chi phí KCB BHYT nội trú và ngoại trú…
Tăng chi phí 1.131 tỉ đồng/năm
Với chính sách mới là thanh toán 50% chi phí khám bệnh ngoại trú trái tuyến tới tuyến tỉnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay việc đề xuất tỷ lệ thanh toán 50% nhằm đảm bảo tăng quyền lợi của người bệnh nhưng tác động thấp nhất đến việc gia tăng Quỹ BHYT.
Ưu điểm của chính sách này là giúp người tham gia BHYT có thể tới bất kỳ cơ sở KCB cấp cơ bản (tương đương tuyến tỉnh hiện nay) để KCB và được hưởng 50% chi phí KCB ngoại trú. Cạnh đó, quy định này giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ KCB, tăng tỷ lệ hưởng của người tham gia BHYT khi tự đi KCB tại các cơ sở thuộc cấp KCB cơ bản mà hiện nay là cơ sở KCB tuyến tỉnh, cơ sở khám bệnh tư nhân.
Tuy nhiên, phương án này chưa có điều kiện để đánh giá tác động kỹ lưỡng do thời gian gấp, còn có nhiều ý kiến khác nhau và có thể phát sinh các nguy cơ, vướng mắc. Theo đó, khi được thanh toán BHYT trái tuyến, người bệnh sẽ có xu hướng đi nhiều lên cấp cao hơn, dẫn đến quá tải, ảnh hưởng quyền lợi người bệnh và chất lượng KCB. Ở chiều ngược lại, việc này cũng làm suy yếu hệ thống y tế cơ sở.
Ngoài ra, việc này làm gia tăng chi phí từ Quỹ BHYT và có thể ảnh hưởng tới khả năng cân đối quỹ nếu mức đóng BHYT không tăng. Bà Lan nói khi “thông tuyến tỉnh ngoại trú”, Quỹ BHYT ước tính sẽ phát sinh chi phí tăng 1.131 tỉ đồng mỗi năm.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, hầu hết các quốc gia đều thiết lập cơ chế chuyển người bệnh trong hoạt động KCB BHYT. Để được lên các cơ sở KCB tuyến trên thì người bệnh phải qua hệ thống KCB ban đầu. Trường hợp tự đi thì người bệnh đều phải trả 100% chi phí KCB.
Đánh giá kỹ tác động
Thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ đồng tình với đề xuất “thông tuyến tỉnh ngoại trú”, BHYT thanh toán 50% chi phí khám bệnh ngoại trú trái tuyến.
Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức thì lo lắng bỏ thủ tục chuyển tuyến BHYT sẽ gây “vỡ trận” BV cấp chuyên sâu. Dù ủng hộ việc xóa bỏ địa giới hành chính trong khám BHYT, nhưng ông Thức cho rằng nếu bỏ giấy chuyển tuyến, bệnh nhân sẽ có xu hướng lên thẳng BV T.Ư thay vì khám ở BV cơ sở. Điều này một mặt dẫn tới triệt tiêu y tế tuyến cơ sở, mặt khác khiến y tế chuyên sâu “vỡ trận” vì không đủ nhân lực, vật lực.
Ông Thức cho rằng trước đây người bệnh gặp khó khăn trong việc xin giấy chuyển tuyến là do các BV bị khống chế BHYT, mỗi năm được giao một khoản tiền nhất định, nên khi chuyển thì BV tuyến trên xài bao nhiêu BV tuyến dưới phải chịu từng đó, không kiểm soát được. Đó là lý do các BV khó khăn khi làm thủ tục chuyển tuyến. Còn hiện nay, quy định này đã được bãi bỏ, cộng thêm sự phát triển của công nghệ thông tin, thủ tục chuyển tuyến rất dễ dàng.
Từ thực tế đã nêu, ông Thức đề nghị chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến với BV cấp ban đầu và một số BV cấp cơ bản (tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện nay – PV). Riêng với BV cấp chuyên sâu thì bắt buộc phải có, vì giấy này rất quan trọng, là bản tóm tắt bệnh án, triệu chứng, quá trình điều trị trước đó của bệnh nhân, giúp bác sĩ chỉ cần đọc qua sẽ nắm được thông tin và có chẩn đoán tốt nhất; nếu bỏ, không khéo còn gây hại cho người bệnh.
Phải nâng cấp hệ thống y tế cơ sở
Trước lo ngại phát sinh 1.131 tỉ đồng mỗi năm khiến Quỹ BHYT gia tăng, ĐB Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên), Giám đốc BV T.Ư Thái Nguyên, cho rằng cần xem xét thêm. Bởi lẽ, nếu áp dụng thông tuyến ở cấp huyện và tỉnh sẽ không phát sinh nhiều vấn đề, vì hệ thống y tế “sàn sàn nhau”, chưa kể không phải đi lại tốn kém thời gian và công sức. Thay vào đó, người bệnh nếu khám trái tuyến, sẽ chủ yếu di chuyển từ cấp cơ sở đến các BV T.Ư, do có sự chênh lệch nhất định.
Để việc khám BHYT không phân biệt địa giới hành chính hiệu quả, ông Hoàng kiến nghị cần có chính sách phù hợp về quyền lựa chọn nơi KCB ban đầu của người bệnh. Thực tế cho thấy, nếu cho phép lựa chọn tự do, người bệnh sẽ có xu thế đăng ký hết vào BV T.Ư, vừa khiến BV T.Ư quá tải, vừa làm suy yếu y tế cơ sở. Giải pháp hài hòa là cho phép đăng ký khám ban đầu ở BV cơ sở, nếu người dân có nhà ở gần BV thì được đăng ký ngay tại BV đó.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng giải pháp lâu dài phải là nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Bà Lan nói không khuyến khích khám bệnh trái tuyến, nhưng nhìn vào y tế cơ sở của VN hiện nay thì thực sự chưa khiến người dân tin tưởng. Đồng thời, như kinh nghiệm nhiều quốc gia, nữ ĐB kiến nghị phải xây dựng chính sách về bác sĩ gia đình, nhằm sàng lọc bệnh ngay từ đầu. Với các bệnh ho cảm thông thường không nhất thiết phải lên tuyến trên, tránh quá tải cũng như tốn kém thời gian, công sức.
Tiếp thu ý kiến các ĐB tại tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay dự thảo luật BHYT sửa đổi sẽ tháo gỡ những khó khăn rất cơ bản trong quá trình KCB của người dân, trong đó bức xúc nhất là vấn đề chuyển tuyến, và quan trọng nhất là phát triển hệ thống y tế cơ sở.
Theo Bộ trưởng Lan, ngoài việc tạo điều kiện để người dân được cứu chữa kịp thời thì cũng cần có chính sách để BV tuyến tỉnh, tuyến huyện cũng có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Khi ấy, người dân sẽ tới các cơ sở khám, chữa bệnh ngay tại địa phương thay vì phải đi xa về tận Hà Nội hay TP.HCM. Ngành y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả như chỉ đạo tuyến, đưa bác sĩ về các huyện khó khăn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa… Cùng với đó là đầu tư đúng mức cho hệ thống y tế cơ sở.
Nguồn: thanhnien.vn