Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân – Ảnh: TTXVN |
Theo Thủ tướng, phải đảm bảo đến năm 2020 có 90-95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Số liệu tại cuộc họp trực tuyến cho thấy có tới 23% dân số chưa có bảo hiểm y tế (BHYT) và trên 75% chưa có bảo hiểm xã hội (BHXH), trong khi đây là xương sống của chính sách an sinh xã hội.
Trước mắt trong năm 2016, Thủ tướng chấp thuận dành 450 tỉ đồng kết dư BHYT 2015 để hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT theo hướng hỗ trợ thêm 30% mệnh giá thẻ (bên cạnh 70% hỗ trợ từ ngân sách nhà nước), tăng hỗ trợ cho học sinh – sinh viên thêm 10-20% mệnh giá thẻ, ngoài 30% từ ngân sách như trước đây.
Tại cuộc họp, đại diện TP.HCM cũng cho biết sẽ dành ngay 15 tỉ đồng hỗ trợ mua thẻ cho người cận nghèo và học sinh – sinh viên của TP.
Khách mua bảo hiểm… chưa phải khách hàng
Đề cập những rắc rối mà người mua bảo hiểm phải chịu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói khi đi khảo sát các cơ sở y tế, ông thấy bệnh nhân BHYT vẫn bị phân biệt đối xử so với bệnh nhân chi trả tiền mặt.
Có nơi muốn mua bảo hiểm phải trình photocopy thẻ bảo hiểm của toàn bộ số người trong gia đình, gia đình 15 người, sống ở nhiều địa chỉ khác nhau mà thu thập tất cả số thẻ ấy để đem chụp cũng tốn khá khá thời gian nên người dân e ngại.
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn khi thủ tục giám định còn nhiều, có cơ sở khám chữa bệnh có đăng ký khám cho bệnh nhân mà trung bình ba tháng bị kiểm tra khoảng 10 lần.
“Như vậy còn đâu thời gian cho người ta làm việc?” – Thủ tướng đặt câu hỏi. Mục tiêu đặt ra tại hội nghị là đến năm 2020 có 90-95% dân số tham gia BHYT, nếu không sớm tháo gỡ những vấn đề nêu trên thì mục tiêu này thành khó khả thi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, phó tổng giám đốc BHXH VN Trần Đình Liệu cho biết sẽ “cởi mở hết cỡ” để người dân tham gia bảo hiểm.
Theo ông Liệu, hiện có 87 triệu người dân VN được đưa vào danh sách “chuẩn hóa” của bảo hiểm. Sau tháng 6 này, người trong danh sách chuẩn hóa có thể mua hoặc nhận thẻ BHYT bất cứ nơi nào họ muốn.
Rắc rối hiện nay là còn 5 triệu người chưa được “chuẩn hóa” trong dữ liệu của bảo hiểm, đây phần lớn là người di cư sinh sống ở các địa phương khác với nơi họ có hộ khẩu thường trú, hoặc đang sống ở vùng sâu vùng xa, những người này có thể ra UBND các xã phường để đăng ký vào danh sách.
Theo ông Liệu, trẻ em dưới 6 tuổi được nhận thẻ BHYT tại địa phương trẻ được sinh ra, không phải về nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận bất kỳ thủ tục nào. Tuy nhiên, hiện các đại lý bán BHYT vẫn yêu cầu nhiều loại thủ tục không đúng quy định.
Ông Liệu cho rằng gia đình có thể liên hệ với BHXH quận huyện, giám đốc BHXH quận huyện phải chịu trách nhiệm và nếu không được giải quyết thỏa đáng thì hãy báo cho BHXH VN.
Chính phủ chủ trương tạo điều kiện cho người dân mua bảo hiểm vì hiện có đến 23% chưa có bảo hiểm y tế, với bảo hiểm xã hội là trên 75%. Trong ảnh: làm thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Không bắt buộc phải mua BHYT cả hộ gia đình
Nấu một nồi phở ngay đầu một con hẻm để kiếm sống qua ngày, bà Nguyễn Thị Kim Hải (48 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể hai năm trước bà còn mua BHYT tự nguyện nhưng nay không mua nữa. Lý do là hàng bán ế ẩm, thu nhập thấp hơn những năm trước đó.
Nhà bà Hải có sáu người, trừ cháu nội mới ra đời được cấp BHYT miễn phí, còn vợ chồng bà, hai con trai và con dâu đều không mua BHYT.
Bà Hải than thở giờ bà muốn mua BHYT cũng khó vì muốn mua được thì cả hộ gia đình phải mua. Nếu gia đình bà mua cả BHYT cho năm người lớn thì cũng mất khoảng 3-4 triệu đồng/năm, một số tiền lớn với gia đình bà.
Nói về lợi ích BHYT, bà Hải cũng biết nếu lỡ mắc bệnh nặng không có BHYT cũng lo, 2-3 năm trước bà mua BHYT nhưng chẳng bao giờ sử dụng đến.
Có một lần mang thẻ BHYT đi khám bệnh thì chờ đến mệt mỏi. Giờ lo ăn ngày hai bữa còn khó khăn nên không thể tính xa được. Đây là một trong rất nhiều trường hợp điển hình cho việc vì sao người dân chưa mặn mà với việc mua BHYT.
Theo ông Trần Đình Liệu, một trong những phương án “cởi mở” về thủ tục là mở thêm nhiều đại lý bán BHYT, từ các hội đoàn thể, trạm y tế xã phường, doanh nghiệp và kể cả đại lý là cá nhân, thay cho việc chỉ có đại lý là các UBND xã phường.
Ngoài ra, luật hiện hành quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng không bắt buộc mua bảo hiểm cho cả gia đình cùng lúc mà có thể mua nhiều lần trong năm, mỗi lần mua cho một người.
Số thành viên trong hộ gia đình cũng không bắt buộc kê khai theo hộ khẩu, mà chỉ cần khai theo mẫu với số lượng tùy theo thông tin từ chủ hộ.
Ông Liệu cũng cho biết ngay trong năm nay, người tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được ngân sách hỗ trợ thêm 10% mệnh giá thẻ, đó là chưa kể giảm phí theo số lượng người trong hộ gia đình.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết nếu không có thẻ BHYT, nhiều người dân khó chi trả, thậm chí không thể chi trả nổi khi điều trị bệnh ung thư.
Như trường hợp của bà N.N.L., 50 tuổi, ở Q.12, TP.HCM. Bà L. được chẩn đoán ung thư hạch phải điều trị hóa trị. Bà bắt đầu điều trị từ ngày 4-9-2015 và kết thúc điều trị ngày 25-5-2016 với tổng chi phí điều trị 284,1 triệu đồng.
Hoàn cảnh bà L. khó khăn nhưng do bà đã mua BHYT tự nguyện nên BHYT chi trả cho bà 80% với số tiền gần 230 triệu đồng, bệnh nhân chỉ phải thanh toán 57,1 triệu đồng.
Tương tự, bà N.T.H.T., 34 tuổi, ở Long An, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch. Bà điều trị từ ngày 7-3-2016 đến 19-4 với tổng số tiền điều trị 152,3 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả 80% là hơn 121 triệu đồng và bà chỉ phải thanh toán 31 triệu đồng.
“Chất lượng không tăng, khó tăng tỉ lệ” Đây là e ngại của ông Lại Xuân Môn, chủ tịch Hội Nông dân VN, tại cuộc họp. Theo ông Môn, qua khảo sát cho thấy có tới 70% trong số nông dân chưa tham gia BHYT là người có kinh tế khá hoặc giàu, nhưng họ chưa mua BHYT vì thấy dịch vụ qua bảo hiểm không bằng dịch vụ chi trả tiền mặt. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói chất lượng chưa cao nên người dân chưa mặn mà. Ông Đam đề nghị về lâu dài cần mở ra nhiều gói dịch vụ BHYT, bên cạnh gói cơ bản thì có gói chất lượng cao hơn để người dân lựa chọn. Thông tin tại cuộc họp cho thấy ngay tỉnh Đồng Nai kinh tế khá giả nhưng tỉ lệ tham gia BHYT vẫn thấp hơn 5% so với trung bình cả nước. Những tỉnh có tỉ lệ người dân tham gia cao thì hầu hết là loại hình BHYT bắt buộc và cấp miễn phí BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi. Chính vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại nếu tăng hỗ trợ từ ngân sách và các quỹ nhằm mục tiêu tăng tỉ lệ người tham gia BHYT là thiếu bền vững. Cho nên BHXH VN cần sớm cởi mở như đã hứa, còn Bộ Y tế tập trung lo chất lượng dịch vụ để người dân tham gia bảo hiểm trên cơ sở có nhu cầu thật sự. |
Nguồn: tuoitre.vn