Vì sao khách không nhận lại tiền nếu hủy hợp đồng?
Khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, bạn có thể tìm thấy thông tin chi tiết về phí hủy hợp đồng trong bảng minh họa và điều khoản của sản phẩm. Nhìn chung, thời gian công ty bảo hiểm tính phí hủy hợp đồng dao động từ 5-10 năm.
Với các sản phẩm trên, trong 2 năm đầu tiên, phí ban đầu của hợp đồng bảo hiểm rất cao, dao động 140-160% giá trị hợp đồng bảo hiểm. Điều này có nghĩa khách hàng gần như không nhận lại được tiền nếu hủy hợp đồng.
Đồng thời, do sản phẩm bảo hiểm là kế hoạch tài chính dài hạn nên khi bạn đặt bút tham gia, công ty bảo hiểm cũng thực hiện nhiều hoạt động chi phí cao trong 2 năm đầu như chi phí vận hành, chi phí đầu tư, chi phí khác. Do đó, công ty bảo hiểm cũng quy định rõ phí hủy hợp đồng trong 2-3 năm đầu tiên là 80-100% phí bảo hiểm.
Từ năm thứ 3 trở đi, hợp đồng ra sao?
Từ năm thứ 3 tới năm thứ 6, khách hàng có thể nhận được một phần tiền nếu hủy hợp đồng. Tuy nhiên, số tiền không quá cao, dao động 10-30% giá trị hợp đồng, do vẫn tồn tại phí hủy hợp đồng và thời gian tích lũy chưa đủ lâu.
Từ năm thứ 10 trở đi, hợp đồng bảo hiểm sẽ qua khỏi quy định về phí hủy trong 3-6 năm đầu và đã qua thời gian đóng phí bắt buộc; đồng thời các khoản phí ban đầu đã giảm, chỉ còn khoảng 1-5%. Vì vậy, khách hàng nên đóng phí hợp đồng bảo hiểm đều đặn từ 10 năm để có thể nhận được khoản phí đáng kể.
Mua bảo hiểm làm sao để lãi?
Hầu hết khách hàng cảm thấy lỗ vì nhìn bảo hiểm nhân thọ ngắn hạn, trong khi đây lại là công cụ tài chính dài hạn, vừa bảo vệ rủi ro, vừa tích lũy cho tương lai. Nếu nhìn ngắn hạn, sẽ luôn luôn là lỗ. Nếu nhìn dài hạn, sẽ luôn luôn là lời. Lỗ là kết quả của chơi bảo hiểm, còn lãi là kết quả của đầu tư bảo hiểm.
Thông thường, khách hàng chỉ nên dành 5-10% tổng thu nhập để mua bảo hiểm. Điều này giúp khách hàng có khả năng xoay sở nếu thu nhập giảm mạnh.
Mua bảo hiểm xong gặp biến động tài chính làm thế nào?
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp thu nhập khách hàng gặp biến động tài chính bất ngờ, khiến không còn khả năng đóng bảo hiểm. Khi ấy, khách có thể đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm xử lý bằng cách cắt giảm một số quyền lợi bảo hiểm để giảm số phí phải đóng hàng kỳ.
Đồng thời, chính sách của công ty bảo hiểm nhân thọ cũng có điều khoản khấu trừ phí đóng bảo hiểm từ giá trị tài khoản khách hàng đã tích lũy.
Giả sử khách hàng trải qua 3 năm đầu tiên bắt buộc đóng đủ phí bảo hiểm, đến năm thứ 4 tài khoản của khách hàng có đủ số tiền cho một năm phí, khi đó, do điều kiện hoàn cảnh khó khăn khiến khách hàng không thể đóng được thì công ty bảo hiểm có thể tự động trích từ tài khoản để đóng và duy trì hợp đồng (nếu được sự đồng ý của khách hàng).
Đến khi nào khả năng tài chính tốt, người mua bảo hiểm có thể đóng bù hoặc gia tăng số phí đóng.
Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm chính thường không thể giảm. Các công ty bảo hiểm thường yêu cầu đóng đủ trong thời gian 3-5 năm đầu tiên. Thời gian sau khách hàng được linh hoạt đóng bằng cách đóng một khoản tối thiểu để duy trì hợp đồng. Tuy nhiên, điều kiện này tùy theo từng công ty bảo hiểm.
Một cách khác là nếu khách hàng không có đủ khả năng đóng phí, thì khi đó hợp đồng sẽ được gia hạn đóng phí thêm 60 ngày kể từ ngày đóng phí hợp đồng. Nếu quá 60 ngày này, khách hàng vẫn không thể đóng phí tiếp tục thì hợp đồng sẽ mất hiệu lực trong 24 tháng.
Trong khoảng thời gian này, khách hàng có thể đề nghị khôi phục lại hợp đồng, đóng đủ các khoản phí còn thiếu, khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện thẩm định lại tình trạng sức khỏe của khách hàng. Tuy vậy, cần lưu ý, trong thời gian này nếu xảy ra rủi ro hoặc sự kiện được bảo hiểm chi trả sẽ không được hưởng quyền lợi.
Trường hợp quá 24 tháng mà hợp đồng không được khôi phục. Công ty bảo hiểm mặc định thực hiện hủy hợp đồng bảo hiểm, hoàn trả lại khoản tiền trong tài khoản sau khi trừ đi các khoản phí và nghĩa vụ nợ (nếu có).
Trần Hoàng Mạnh Việt
Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân FIDT
Giám đốc kinh doanh Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life
Nguồn: dantri.com.vn