Trước câu chuyện ông P.P.N.T. trú TP.HCM đang hưởng lương hưu hơn 124 triệu đồng, nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi, trong đó nhiều người bày tỏ mong muốn “có lương hưu cao hơn”.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều người muốn đóng bảo hiểm xã hội cao hơn nhưng không được vì Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định “trần đóng”.
Lương hưu cao hơn trăm triệu do không có “trần đóng”
Bạn đọc Trần Lý Minh chia sẻ: “Tôi thấy việc thực hiện chính sách như vậy rõ ràng có sự bất cập. Bởi vì có rất nhiều người muốn đóng bảo hiểm nhiều hơn theo mức thu nhập họ nhận (để về hưu có lương hưu cao hơn) nhưng không được chấp nhận”.
Còn bạn đọc Nguyễn Quốc Thanh bày tỏ “có đóng có hưởng, anh đóng nhiều thì anh hưởng nhiều là quy luật thôi, không nên khống chế”.
Về việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải ông T. đã đóng bảo hiểm xã hội hơn 23 năm. Vào giai đoạn trước năm 2007, mức đóng của ông T. rất cao, có thời điểm bình quân hơn 200 triệu đồng/tháng do quy định thời điểm đó không giới hạn trần đóng.
Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực, quy định nêu rõ mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu hoặc lương cơ sở (từ 1-7 là 1,8 triệu đồng).
Để lương hưu cao hơn phải làm gì?
Ngày 22-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết trước đây có một số trường hợp tại đơn vị ngoài quốc doanh, đơn vị FDI đóng bảo hiểm xã hội dựa trên lương 200 – 300 triệu đồng/tháng dẫn tới lương hưu rất cao.
Việc này gây bất bình đẳng, mất công bằng giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, cơ quan chức năng đã ra quy định “trần đóng”.
Ghi nhận mong muốn nâng “trần” đóng bảo hiểm, tuy nhiên, vị lãnh đạo này khẳng định quy định trên nếu thay đổi phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trước mắt, người lao động có thể tham gia bảo hiểm thương mại để có thêm thu nhập khi về già. Về lâu dài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất gói bảo hiểm hưu trí bổ sung theo tinh thần của nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
“Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn”, nghị quyết 28 nêu rõ.
Còn ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhận định: “Những trường hợp được hưởng lương hưu cao tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng; đóng nhiều – hưởng nhiều. Tuy nhiên với việc khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội, sẽ không còn những người nhận lương hưu cả trăm triệu đồng mỗi tháng”.
Theo ông Huân, người có lương cao như phi công, giám đốc doanh nghiệp muốn có lương hưu tốt hơn có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung. Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách miễn trừ thuế thu nhập cho khoản đóng hưu trí bổ sung.
Việc này có ba lợi ích: Người lao động có thêm thu nhập khi về già; Doanh nghiệp được khuyến khích trả lương cao hơn để giữ chân lao động chất lượng cao; Quỹ hưu trí bổ sung khi có đủ nguồn lực sẽ được đầu tư, từ đó đóng góp cho sự phát triển của kinh tế – xã hội.
Thăm dò ý kiến
Quy định hiện nay khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu hoặc lương cơ sở. Nhiều người mong muốn đóng bảo hiểm xã hội cao hơn để hưởng lương hưu tốt hơn. Theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Nguồn: tuoitre.vn