Ngày 14.12, tiếp tục phiên họp 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiếp thu, giải trình luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường đầu tháng 1.2023.
“Bộ Y tế “ôm” cấp phép hành nghề làm gì?”
Dành hơn 1 giờ để cho ý kiến vào nhiều điều luật cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sửa đổi luật phải vừa tháo gỡ vướng mắc trước mắt, vừa đảm bảo phát triển lâu dài. Đặc biệt, lưu ý quy định về giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) – từ điều 19 đến 34 dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải quy định lại nhiều vấn đề.
Bệnh nhân lãnh thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) |
Duy Tính |
Dẫn quy định thời hạn giấy phép hành nghề 5 năm, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là vấn đề “rất băn khoăn, suy nghĩ” vì vừa quy định thời hạn, lại vừa quy định tước giấy phép hành nghề là không phù hợp về logic lập pháp, cũng không phù hợp về nghề nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cho biết như trong ngành kế toán, kiểm toán, đã cấp giấy phép là hành nghề vĩnh viễn, trừ trường hợp bị tước giấy phép hành nghề.
“Trong luật này dùng tới hơn 10 điều liên quan việc này. Bộ Y tế sa hết vào chuyện quản lý hành nghề, rồi sinh ra cơ chế xin cho. Ngồi làm quản lý nhà nước có những thứ đáng lẽ mình không phải làm”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Tương tự, với quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia với chức năng tổ chức đánh giá năng lực hành nghề KBCB làm cơ sở cấp giấy phép, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo quy định chưa rõ về mô hình, địa vị pháp lý của cơ quan này. “Theo luật này thì ai sẽ là người thành lập hay Quốc hội giao hết quyền cho Chính phủ quy định thì muốn ai thành lập cũng được. Không được! Tổ chức quyết định đến “sinh mạng” hàng vạn người hành nghề lĩnh vực này mà lại mù mờ thế thì không được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng dự thảo “chưa làm rõ cơ quan này là quản lý nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp, hay cả hai cũng chưa rõ”.
Việc dự thảo luật quy định Hội đồng Y khoa quốc gia “tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan này chỉ nên chủ trì và sử dụng sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp có chuyên môn như cách làm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. “Bây giờ Bộ Y tế “ôm” lại làm gì. Theo tôi là không nên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải trình tại phiên họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ học tập Hội đồng Giáo sư nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm chủ tịch hội đồng. Hội đồng Y khoa cũng chỉ đảm nhận một số khâu chứ không phải tất cả các khâu liên quan thi cử, cấp giấy phép hành nghề. Trong đó, quan trọng nhất là ra được ngân hàng câu hỏi để đánh giá năng lực hành nghề.
Về việc cấp giấy phép hành nghề, Phó thủ tướng cho hay các nước giấy phép hành nghề KBCB đều có thời hạn và quy định thời hạn là hợp lý. Còn về cơ quan cấp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là hợp lý, “đẩy ra bên ngoài làm thì sẽ nhẹ đi” và nhấn mạnh sẽ quy định cụ thể để việc gia hạn phải rất đơn giản, không phát sinh tiêu cực.
Không nên áp mức trần với giá khám chữa bệnh
Góp ý về giá dịch vụ KBCB tại điều 110 dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải làm rõ nhiều nội dung như “giá trị vô hình của thương hiệu” như một yếu tố của giá dịch vụ khám, chữa bệnh hay “chi phí khác liên quan tới hoạt động KBCB” trong các loại chi phí của giá thành dịch vụ KBCB, không nên “mù mờ” sẽ gây khó khăn trong thực hiện.
Liên quan quy định giá tối đa dịch vụ KBCB đối với cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nên rà soát, sửa lại. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp cận theo hướng quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh gồm những gì; nguyên tắc tính đúng, tính đủ; và Chính phủ hoặc Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá KBCB đối với dịch vụ KBCB bằng BHYT.
Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện chỉ mới tính chi phí nhân công và hàng hóa trong giá thành dịch vụ KBCB, vẫn còn 2 chi phí khấu hao và quản lý chưa được tính giá KBCB vì mệnh giá BHYT quá thấp. Theo Chủ tịch Quốc hội, mệnh giá BHYT của Việt Nam giờ khoảng 40 – 50 USD, trong khi danh mục thì rất nhiều. Giờ muốn nâng lên để tính đúng, tính đủ giá KBCB thì liên quan tới khả năng chi trả của người dân và cả khả năng chi trả của nhà nước. Do đó, cần phải có lộ trình và tính toán khả năng chi trả của người dân.
Còn các dịch vụ khám chữa bệnh dịch vụ, theo yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên để vận hành theo nguyên tắc thị trường. “Mình đặt cái trần vào đó thì ai người ta làm được”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng vấn đề này còn liên quan tới khả năng tiếp cận dịch vụ, việc lạm dụng khoa học công nghệ… song nhà nước chỉ nên điều tiết chứ không nên cấm đoán. “Đây là quan điểm lớn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước lo cho người nghèo, thu nhập thấp thôi. Người có khả năng chi trả thì thị trường quyết định, nhà nước không can thiệp. Cơ sở nào tốt, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng thì người ta vào, không thì thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ đồng tình với Chủ tịch Quốc hội, cho rằng phải tăng được mệnh giá BHYT lên. “Hiện, chúng ta mới có một mức, còn các mức khác đều do các công ty bảo hiểm tư nhân bán. Nếu chúng ta không tăng lên được thì chúng ta sẽ bị sức ép. Bởi vì thuốc men, vật tư, thiết bị, máy móc thì theo giá quốc tế mà mệnh giá bảo hiểm của chúng ta quá thấp thì không thể nào làm được”, ông Đam phân tích và cho rằng: “Bây giờ được Chủ tịch Quốc hội lại rất hiểu thì cơ quan soạn thảo phải đưa vào, nếu không sẽ rất khó cho ngành y tế”.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua luật KBCB tại kỳ họp bất thường thứ 2 dự kiến diễn ra đầu tháng 1.2023.
Nguồn: thanhnien.vn