Tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến quý II/2014, tổng số nợ bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế lên đến trên 11.190 tỷ đồng, chiếm 6,28% kế hoạch thu bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế. Trong đó, nợ của các đơn vị đang hoạt động trên 8.283 tỷ đồng (chiếm 93,1%), nợ của các đơn vị đã ngừng hoạt động là 613 tỷ đồng (chiếm 6,9%)…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đó là Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế thời gian qua bộc lộ một số thiếu sót, bất cập, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được sửa đổi kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, chế tài xử phạt chưa nghiêm, mức phạt các vi phạm chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp tuân thủ.
Bên cạnh đó, đơn vị bảo hiểm xã hội không quản lý hết được các đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thiếu cơ chế phối hợp giữa bảo hiểm xã hội và các cơ quan có liên quan…
Để chấm dứt nợ đọng và vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đại diện các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp. Đó là cần tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành có chức năng thanh tra để có được những đánh giá sâu, rộng, toàn diện về cơ chế chính sách đang thực hiện để phát hiện và kiến nghị sửa đổi bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp.
Nên nâng mức xử phạt cao hơn mức hiện nay để có tác dụng giáo dục, răn đe các cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là việc nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, cần nghiên cứu và đưa ra lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trên cơ sở những tiến bộ trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình và giảm tỉ lệ giữa số người lao động và số người nhận lương hưu, trước mắt có thể nâng ngay tuổi nghỉ hưu đối với những người lao động là các kỹ sư ở các ngành công nghệ cao, các nghệ nhân…
Và một trong những giải pháp quan trọng của ngành là cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, trong thẩm quyền của mình, từ năm 2012, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động rà soát và cắt giảm bộ thủ tục hành chính. Nhờ vậy, đã giảm từ 263 xuống còn 111 thủ tục, trong đó có 10 loại thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến các bước khai báo của doanh nghiệp về nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quyết liệt triển khai 3 giải pháp để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Đó là rà soát tất cả thủ tục liên quan đến quy định, quy trình thu, chi, cấp sổ, cấp thẻ bảo hiểm xã hội ở tất cả các cấp nhằm cắt giảm những khâu rườm rà, gây khó cho người nộp bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp với ngành bưu điện thực hiện việc giao, nhận hồ sơ về bảo hiểm xã hội cho khách hàng; ứng dụng giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử, chữ ký số trên toàn hệ thống.
Nguồn: tuoitre.vn