Đề xuất này được dư luận ủng hộ vì lợi cả đôi đường: giảm gánh nặng hệ thống y tế, thuận lợi cho người dân (nhất là người dân các tỉnh lẻ).
Tuổi Trẻ trích dẫn ý kiến của người bệnh, ý kiến ngành y tế về vấn đề này:
– Ông NGUYỄN ĐỨC HÒA (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam):
Đề xuất dựa trên ý kiến chuyên môn
Đề xuất này dựa trên ý kiến chuyên môn, với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính thường ổn định, việc thay đổi thuốc không cần thiết phải hằng tháng. Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng đã triển khai kê đơn thuốc 3 tháng/lần đối với một số bệnh mạn tính và không có phát sinh biến chứng.
Vì vậy Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho nhóm bệnh nhân này đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày, thay vì 30 ngày theo quy định hiện nay.
Việc tăng thời gian kê đơn giúp lợi cả đôi đường cho bệnh nhân và bệnh viện. Bệnh nhân kéo dài thời gian tái khám, bệnh nhân không mất công đi lại, thời gian, chi phí… Bên cạnh đó, giảm tải cho bệnh viện trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân mạn tính đã điều trị ổn định.
Từ năm 2023, chúng tôi đã 2 lần gửi văn bản đề xuất bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị về thời gian kê đơn thuốc. Tôi mong muốn Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất, áp dụng càng sớm càng tốt.
– Ông N.V.D. (55 tuổi, TP.HCM, mắc bệnh tiểu đường nhiều năm):
Giảm bớt áp lực cho người bệnh
Tôi mắc bệnh từ nhiều năm nay và đã được điều trị ổn định nhưng hằng tháng phải gác công việc đến bệnh viện khám lại để có đơn thuốc. Trong khi đó đa phần các thuốc được kê đơn hằng tháng đều giống nhau, trường hợp từ 3-6 tháng phải xét nghiệm lại mới điều chỉnh thuốc.
Tôi đề nghị nên phát thuốc cho những bệnh nhân bị bệnh mạn tính trong vòng 60 ngày, như thế sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt áp lực.
– Ông PHẠM VĂN NHÂN (65 tuổi, tỉnh Ninh Bình):
Linh hoạt với người bệnh không có điều kiện đi xa
Tôi mới phát hiện bị tiểu đường, tăng huyết áp khoảng 3 năm nay, hằng tháng tôi phải đến bệnh viện để tái khám kê lại đơn thuốc. Thế nhưng do lớn tuổi, con cháu không ở gần nên tôi thường phải tự đi bộ rồi đón xe khách đến bệnh viện tỉnh cách nhà 40km để bác sĩ kê đơn thuốc.
Đến bệnh viện người bệnh đông đúc, chen chúc nhau, rất khổ cho bệnh nhân tuổi cao sức yếu như chúng tôi. Tôi rất mong có thể kéo dài thời gian kê đơn thuốc để người bệnh đỡ vất vả.
– Ông NGUYỄN THÀNH TÂM (giám đốc Bệnh viện quận 1, TP.HCM):
Tùy từng bệnh mạn tính xem xét điều chỉnh
Tùy một số loại bệnh mạn tính các bác sĩ có thể linh hoạt để thay đổi thời gian kê đơn cho người bệnh. Với người bệnh mới phát hiện bệnh thời gian kê đơn thuốc nên tối đa là 30 ngày để các bác sĩ nắm bắt tình hình, làm thêm các xét nghiệm…
Đối với các trường hợp bệnh đã điều trị lâu, ổn định có thể tăng thời gian kê đơn thuốc cho người bệnh trên 30 ngày, đặc biệt là các trường hợp như: nhà xa, đi du lịch, không thể tái khám thường xuyên tại bệnh viện…
Tuy nhiên một số loại bệnh mạn tính có nhiều yếu tố nguy cơ rất dễ gây biến chứng, trở nặng, do đó không được chủ quan mà nên đến bệnh viện để các bác sĩ đánh giá lại.
Ví dụ một số bệnh mạn tính như lipid máu thời gian tái khám nên 1-2 tuần hoặc mỗi tháng để được xét nghiệm, các bác sĩ đánh giá, điều trị thêm hoặc bớt liều thuốc cho bệnh nhân.
– TS TRẦN THANH TÙNG (phó trưởng bộ môn dược lý, Trường đại học Y Hà Nội):
Có thể thực hiện sớm
Bệnh mạn tính cần điều trị thuốc kéo dài, sau giai đoạn đầu kê đơn nhằm tìm loại thuốc và liều lượng phù hợp trong vòng 15-30 ngày, bác sĩ đánh giá lại và có thể kê đơn cho bệnh nhân lĩnh thuốc trong 60 ngày.
Thực hiện được điều này sẽ tiết kiệm nhân lực y tế, giảm tải cho bệnh viện, đồng thời cũng tiết kiệm thời gian, chi phí cho người mắc bệnh mạn tính. Bộ Y tế nên sớm nhất trí thực hiện quy định kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính lên 60 ngày.
– Bà TRẦN THỊ OANH (phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội):
Bệnh viện giảm thu, nhưng cần nhìn xa hơn
Tôi ủng hộ việc kê đơn 2 tháng/lần cho bệnh nhân điều trị bệnh mạn tính đã ổn định thay vì 1 tháng/lần như hiện nay. Với đề xuất 3 tháng/lần thì thời gian quá dài, tôi nghĩ là không nên.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường bác sĩ sẽ tùy thuộc vào tình trạng cá thể từng bệnh nhân để quyết định cấp thuốc 2 tháng hay 1 tháng/lần. Việc chỉ định cần đảm bảo sức khỏe và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.
Nhiều bệnh viện lo ngại thời gian cấp thuốc lên 2 tháng/lần sẽ giảm nguồn thu từ việc thăm, khám. Tôi cho rằng việc giảm thu này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến các bệnh viện, thậm chí nhìn xa hơn bệnh viện sẽ được lợi khi quản lý bệnh tốt, tạo được uy tín với người bệnh.
Nếu cấp thuốc 2 tháng/lần, nghĩa là lượt thăm khám của bác sĩ sẽ giảm đi một nửa, như vậy bác sĩ sẽ có nhiều thời gian tư vấn, tầm soát kỹ hơn, tương tác với bệnh nhân nhiều hơn.
Bên cạnh đó việc giảm nguồn thu từ số lượt thăm khám nhưng số tiền này vẫn là tiền nằm trong quỹ bảo hiểm y tế và có thể sử dụng trong những nội dung khác. Bệnh viện có thể sử dụng hiệu quả nguồn quỹ hơn như làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn cho các bệnh nhân tiến triển thay vì những xét nghiệm bình thường để quản lý bệnh hằng tháng.
– Ông NGUYỄN TRỌNG KHOA (phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế):
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 do giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã triển khai cấp thuốc ngoại trú 3 tháng/lần. Tuy nhiên để điều chỉnh hoàn toàn thì cần cân nhắc giữa mặt lợi và nguy cơ. Mặt lợi là người dân giảm được thời gian đi lại, bệnh viện giảm gánh nặng.
Kéo dài thời gian kê đơn cũng có thể dẫn đến nguy cơ người bệnh lâu không được thăm khám, không theo sát được diễn biến bệnh có thể gây ảnh hưởng việc điều trị. Chúng tôi đang cân nhắc nghiên cứu đề xuất này và sẽ có điều chỉnh văn bản, thông tư hướng dẫn về thời gian kê đơn.
Thời gian kê đơn thuốc điều trị mạn tính tại các nước
Ở phần lớn quốc gia trên thế giới, thời gian kê đơn thuốc điều trị mạn tính nằm trong khoảng từ 28 đến 30 ngày. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nước cân nhắc việc kéo dài thời gian kê đơn thuốc.
Tại Úc, tháng 4-2023, cơ quan hữu quan nước này chấp thuận việc kê đơn thuốc lên đến 60 ngày cho 320 loại thuốc khác nhau. Các loại thuốc được áp dụng chủ yếu nhằm điều trị bệnh tim, huyết áp cao, béo phì…
Với sự thay đổi này, Chính phủ Úc ước tính mỗi bệnh nhân sẽ tiết kiệm lên đến 180 AUD/năm (2.900.000 đồng). Trong vòng bốn năm, cả nước có thể tiết kiệm lên đến 1,6 tỉ AUD.
Tại Thái Lan, từ năm 2016, Bệnh viện quân y Phramongkutklao tiến hành thí điểm cho tất cả bệnh nhân được kê đơn thuốc 3 tháng (90 ngày).
Nghiên cứu công bố hồi tháng 5-2023 bởi đội ngũ khoa học tại bệnh viện này và ĐH Chulalongkorn cho thấy việc cho tất cả bệnh nhân được kê đơn thuốc 90 ngày đã góp phần tăng tỉ lệ chấp hành đơn thuốc của người bệnh.
Tại Anh, bộ y tế không đặt ra giới hạn cứng nào mà chỉ quy định thời lượng của mỗi đơn thuốc “cân bằng giữa sự thuận tiện cho bệnh nhân và tình trạng bệnh lý lâm sàng, việc tiết kiệm chi phí và sự an toàn của người bệnh”.
Nguồn: tuoitre.vn