Sau khi Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tiếp nhận 34 bộ hồ sơ tố cáo về việc bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm SCB sang bảo hiểm nhân thọ Manulife, sáng nay 20-4, nhiều người dân khác đã gặp nhau tại một quán cà phê để tập hợp thêm khoảng 100 đơn tố cáo với nội dung tương tự.
Cập nhật vào lúc 10h30 hôm nay, những người dân này đã vào bên trong cơ quan công an, với mục đích nộp thêm các đơn tố cáo.
Video: Cả trăm người dân tập trung gửi đơn tố cáo SCB và bảo hiểm Manulife
Đại diện nhóm tố cáo, chị Phạm Lại Thiên Kim (ngụ quận 10) cho biết vào cuối năm 2020, chị cùng người thân tới Ngân hàng SCB để gửi tiết kiệm. Nhưng sau đó bị tư vấn tham gia sản phẩm đầu tư sinh lời với lãi suất 15%/năm, tương tự như gửi tiết kiệm linh hoạt, sau 5 năm sẽ nhận được toàn bộ gốc và lãi, được tặng kèm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ – trang bìa có logo ngân hàng và logo Công ty bảo hiểm Manulife.
Đến cuối năm 2022, sau khi phát hiện đã bị tư vấn sai nên chị gửi đơn khiếu nại nhưng công ty bảo hiểm từ chối yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm và hoàn các khoản phí đã đóng.
Cảm thấy không thỏa đáng, chị tiếp tục gửi đơn tố cáo tới Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Nhà nước. Sau đó chị được phản hồi, nhưng cho rằng “chưa giải quyết được vấn đề của mình” nên chị cùng nhiều người khác quyết định gửi đơn tố cáo tới công an.
Gia đình chị Kim có tổng cộng tới ba người gửi đơn tố cáo, tổng số phí bảo hiểm đã đóng là gần 350 triệu đồng.
Cùng gửi đơn tố cáo đến công an, bà Huệ (ngụ quận 11, hưu trí) cho biết vào năm 2021 đã tới Ngân hàng SCB để gửi tiết kiệm 300 triệu đồng, nhưng sau đó bị tư vấn sang tham gia sản phẩm tiết kiệm với lãi cao, liên kết giữa ngân hàng và Công ty bảo hiểm Manulife.
Tuy nhiên, đến một năm sau, bà đến ngân hàng với dự tính lấy lại toàn bộ gốc và lãi thì mới biết thực chất đã mua bảo hiểm nhân thọ, chứ không có khoản tiền gửi tiết kiệm nào cả. Sau khi biết mình đã bị tư vấn mập mờ, bà Huệ khiếu nại nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
“Cơ quan chức năng cần kiểm soát hoạt động bán bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng, tránh để người dân bị lợi dụng lòng tin. Không chỉ tôi mà rất nhiều người khác đã phải tham gia bảo hiểm nhân thọ một cách không theo nhu cầu, không tự nguyện. Đó là số tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi, không phải tự nhiên có được”, bà Huệ bức xúc.
Trong đơn tố cáo, nhiều người dân cho biết chưa từng được người đại lý đứng tên trên hợp đồng bảo hiểm tư vấn, chỉ làm việc với nhân viên ở ngân hàng, đồng thời tố bị giả chữ ký, bị kê khống thu nhập và kê sai nghề nghiệp… tại các giấy tờ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife phân phối qua SCB.
Vào giữa tháng 2-2023, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài điều tra “Ép” người dân mua bảo hiểm, bên cạnh phản ánh việc nhiều người bị dồn vào thế buộc phải mua bảo hiểm khi vay vốn tại ngân hàng, còn có chuyện “Tiền tiết kiệm bỗng thành… bảo hiểm nhân thọ”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1-2023, ông Doãn Thanh Tuấn – phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) – cho biết lúc thanh tra bốn doanh nghiệp bảo hiểm, cục đã phát hiện những sai phạm nhất định. Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi.
Hôm 17-4, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu trong tài liệu giới thiệu sản phẩm khiến khách hàng nhầm lẫn.
Nguồn: tuoitre.vn