Phương Trúc (23 tuổi) vừa ra trường vào năm ngoái. Có việc làm ngay trước khi tốt nghiệp, cô nhiều lần dự định mua bảo hiểm sau khi biết chuyện bạn học bất ngờ phát hiện ung thư xương hàm. Trúc tự tìm hiểu thông tin, chọn ra một vài đơn vị tham khảo. Thế nhưng mất vài tháng, cô vẫn chưa mua bảo hiểm thành công.
Tiếp xúc một số nhân viên tư vấn, Trúc nhận ra để đặt tên mình vào hợp đồng bảo hiểm, có tiền thôi là chưa đủ, cần tốn nhiều thời gian. Là một nhân viên truyền thông của startup đang trên đà phát triển, Trúc hầu như không có thời gian trống để vừa tham gia các buổi kiểm định sức khỏe, vừa tổng hợp giấy tờ, hoàn thành thủ tục…
Một thời gian sau, Trúc tìm hiểu thêm thông tin và biết đến insurtech (công nghệ bảo hiểm). Cô chọn một công ty có ứng dụng công nghệ bảo hiểm để đặt mua. Trúc cầm trên tay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho bản thân sau vài tiếng hoàn thiện hồ sơ
“Khi email tôi thông báo nhận hợp đồng điện tử, tôi bất ngờ vì công nghệ mới đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian mua hợp đồng so với phương thức truyền thống”, Trúc chia sẻ.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ đã vài tháng, Minh Lê (24 tuổi) cho biết, cô có thể tóm tắt quy trình mua hợp đồng bảo hiểm của mình chỉ trong một đoạn văn dài không quá trăm chữ. Cô kể, quy trình thu thập hồ sơ và chứng từ chỉ diễn ra chưa đến một buổi khi nhân viên tư vấn đến tận nơi và thao tác trên ứng dụng chuyên biệt của công ty bảo hiểm.
Theo đánh giá của Forbes, bảo hiểm là ngành chậm đón nhận đổi mới, mãi đến những năm gần đây, chuyển đổi số mới diễn ra. Tuy nhiên, Covid-19 đã thúc đẩy thị trường này tăng tốc và đẩy nhanh tính cấp thiết của insurtech. Tại Việt Nam, những tên tuổi lớn như Manulife, AIA, Generali, Prudential… đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ với kỳ vọng giành nhiều thị phần hơn khi chiếm được lòng tin khách hàng.
Áp dụng insurtech, các khâu phê duyệt hợp đồng, thanh toán phí, kết nối khách hàng… sẽ giải quyết nhanh chóng. Nếu như trước đây, để phát hành một bộ hợp đồng bảo hiểm, đội ngũ nhân viên tư vấn phải thu thập đủ hồ sơ và chứng từ bằng giấy, mang đến văn phòng đại lý và chờ đợi đến lượt thẩm định. Giờ đây, các bước này có thể làm trực tiếp ngay trên ứng dụng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho cả khách hàng và tư vấn viên.
Về việc giải quyết bồi thường, công nghệ bảo hiểm cũng giúp rút ngắn và góp phần tạo sự công bằng cho cả đôi bên. Thông qua thị giác máy tính (computer vision), hầu hết các vụ tai nạn có thể kiểm tra và đưa trả kết quả nhanh chóng. Phối hợp với công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) và học sâu (deep learing), các giải pháp công nghệ có thể tự động quét tài liệu và xác minh tính xác thực của chúng, giúp xử lý xác nhận quyền sở hữu nhanh hơn.
Một nghiên cứu mới của Juniper Research đã chỉ ra rằng, tổng giá trị hợp đồng bảo hiểm đến từ các nền tảng insurtech sẽ vượt quá 556 tỷ USD vào năm 2025. Con số này tăng hơn gấp đôi từ mức 250 tỷ USD vào năm 2020. Các công ty bảo hiểm trong các ngành động cơ, đời sống, gia đình và sức khỏe có nguy cơ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng tiềm năng nếu họ không tận dụng những lợi ích mà AI mang lại.
Tác động của Covid-19 đã đưa nhu cầu ở các lĩnh vực chính như bảo hiểm nhân thọ tăng đột biến trong năm qua. Công nghệ giúp tạo ra quy trình hiệu quả và dễ nhân rộng hơn, thuận tiện cho công ty quản lý vòng đời của khách hàng. Forbes cho rằng, insurtech sẽ mở đường cho tương lai ngành bảo hiểm.
Tất Đạt
Nguồn: vnexpress.net