Theo quy định tại Luật Việc làm sửa đổi năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), người lao động làm việc theo hình thức bán thời gian sẽ thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên và mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương cơ sở.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm mới (Ảnh minh họa: Hoa Lê)..
Khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 quy định người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Người lao động quy định tại điểm này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Điều 34 Luật Việc làm 2025 quy định về căn cứ tiền lương dùng đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương.

Ngoài hưởng trợ cấp, người lao động được tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới (Ảnh minh họa: Hoa Lê)..
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, việc mở rộng đối tượng tham gia nhằm tạo sự công bằng trong tiếp cận chính sách bảo hiểm, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hỗ trợ người lao động khi rơi vào tình trạng mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.
Nguồn: dantri.com.vn