Ngày 10.4, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM thông tin, tính đến cuối năm 2020, có 35.612 đơn vị nợ đóng BHXH (với 325.000 lao động), tổng số tiền nợ 2.469 tỉ đồng.
Việc các công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người lao động nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp trong thời điểm khó khăn như dịch Covid-19, hoặc không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.
Vậy người lao động cần làm gì khi phát hiện các công ty “trốn” đóng BHXH cho mình?
Thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện
Theo Luật sư (LS) Phạm Thị Việt Hà (Đoàn LS TP.HCM), việc các công ty đóng BHXH cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều công ty đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay “trốn đóng BHXH”, dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.
Theo LS Hà, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi biết công ty nợ BHXH, trước tiên, người lao động cần thực hiện quyền gửi đơn khiếu nại đến công ty để yêu cầu công ty đóng BHXH bổ sung. Nếu như, công ty vẫn không thực hiện việc đóng bổ sung thì người lao động khiếu nại với Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM. Đồng thời, người lao động có thể khởi kiện lên TAND có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
“Trong quá trình buộc công ty thực hiện đóng BHXH bổ sung, người lao động có thể nhờ sự giúp đỡ từ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tức tổ chức công đoàn hoặc luật sư để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình”, LS Hà gợi ý.
Đại diện Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM nhận định tình hình chây lì, trốn đóng BHXH hiện nay tiếp tục gia tăng. Việc trốn đóng BHXH không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm, kịp thời vì để nợ càng lâu thì việc khắc phục còn khó khăn.
“Khi người lao động biết công ty không đóng BHXH cho mình, ngay lập tức cần thông tin với ban chấp hành công đoàn cơ sở và LĐLĐ TP.Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi công ty trú đóng. Tổ chức công đoàn sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm, đồng thời đại diện hỗ trợ người lao động khởi kiện ra tòa án”, đại diện LĐLĐ TP.HCM cho biết.
Trốn đóng BHXH có thể bị xử lí hình sự
LS Hà cũng cho biết, hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
“Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, công ty có thể bị phạt tiền từ 36 – 40% trên tổng số tiền phải đóng BHXH đối với hành vi không đóng BHXH cho người lao động. Tương tự với đó, đối với hành vi trốn đóng BHXH công ty có thể bị phạt tiền từ 100 – 140 triệu đồng theo quy định của Nghị định trên.
Trường hợp nếu hành vi trốn đóng BHXH đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với mức phạt tiền cao nhất lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, công ty còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.
“Hành vi công ty trốn đóng BHXH xảy ra rất phổ biến trong nhiều năm qua. Mặc dù chế tài đối với hành vi này đã được quy định, tuy nhiên khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra đang gặp nhiều khó khăn do hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Có thể kể đến như doanh nghiệp chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự; hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm luật có hiệu lực, hay khó khăn trong việc chứng minh hành vi gian dối, dùng thủ đoạn khác bởi công ty thường đưa ra lý do đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên nợ đóng BHXH chứ không phải trốn đóng BHXH”, LS Hà cho biết thêm.
Người lao động chủ động theo dõi quá trình tham gia BHXH của mìnhĐại diện LĐLĐ TP.HCM cho biết, người lao động nên dành thời gian quan tâm đến việc đóng BHXH của doanh nghiệp thông việc sử dụng BHYT, qua kênh thông tin BHXH quận, huyện, thành phố. Đồng thời, có thể đề nghị công đoàn cơ sở liên hệ các cơ quan chức năng cung cấp việc đóng BHXH.
Hiện nay BHXH TP.HCM đang phối hợp cùng LĐLĐ TP.HCM triển khai ứng dụng VssID – BHXH số cho người lao động. Đây sẽ công cụ để người lao động có thể chủ động theo dõi quá trình đóng BHXH của doanh nghiệp, các thiếu sót trong quá trình đóng BHXH, việc khám chữa bệnh. Mỗi người lao động cùng giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp thì sẽ hạn chế phát sinh những vụ việc nợ đóng kéo dài…
Đại diện BHXH TP.HCM cũng cho biết, ứng dụng VssID giúp người lao động tra cứu được quá trình tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thông tin hưởng các chế độ như thai sản, ốm đau; được hỗ trợ trực tuyến 24/7; hướng tới thay thế thẻ BHYT hay sổ BHXH giấy trong tương lai…
|
Nguồn: thanhnien.vn