“Hiện tại, công ty tôi có một trường hợp người lao động đang xin nghỉ việc không hưởng, lý do là để giải quyết việc cá nhân, nhưng đang trong quá trình chờ phê duyệt chính thức từ ban giám đốc.
Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu người lao động nghỉ không lương thì công ty có còn nghĩa vụ đóng BHXH cho họ hay không? Việc nghỉ không lương có ảnh hưởng gì đến quyền lợi về BHXH của người lao động không?”.
Đây là câu hỏi của chị Vân Nhi, nhân viên phòng hành chính của một công ty dịch vụ ăn uống ở Q.1 (TP.HCM), về việc đóng BHXH cho người lao động nghỉ không lương.

Người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc nghỉ không lương
ẢNH: NHẬT THỊNH
Luật sư tư vấn cho người lao động
Trả lời câu hỏi này, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc nghỉ không lương, bao gồm cả thời gian nghỉ.
Trong thực tế, nhiều người lao động xin nghỉ không lương trong thời gian dài (ví dụ từ 1 đến 3 tháng) vì những lý do cá nhân như chăm sóc gia đình, điều trị bệnh, học tập nâng cao chuyên môn hoặc đi du lịch dài ngày.
Căn cứ khoản 3, điều 85 của luật BHXH 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH của tháng đó, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Bên cạnh đó, khoản 4, điều 42 của văn bản hợp nhất 2525 của BHXH Việt Nam về quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế có quy định:
“Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”.
Như vậy, theo luật sư Trương Văn Tuấn, nếu nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên/tháng, người lao động sẽ không đóng BHXH của tháng đó.
Khoảng thời gian nghỉ không lương này sẽ không được tính vào thời gian tham gia BHXH, tức là không được cộng vào tổng thời gian để sau này tính chế độ hưu trí, ốm đau, tai nạn lao động…, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Ngoài ra, trong các trường hợp người lao động nghỉ dài ngày không lương, công ty thường sẽ thực hiện thủ tục báo giảm lao động tạm thời với cơ quan BHXH để tránh phát sinh nghĩa vụ đóng các loại bảo hiểm cho người lao động trong thời gian này.
Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025) đã bổ sung quy định cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về việc đóng BHXH trong tháng người lao động nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên. Cụ thể: Nếu hai bên có thỏa thuận, người lao động vẫn được đóng BHXH cho tháng đó, với mức đóng dựa trên căn cứ đóng BHXH của tháng gần nhất. Quy định này áp dụng cho các đối tượng như người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức, và một số nhóm khác theo quy định của Luật BHXH 2024. |
Nguồn: thanhnien.vn