Sáng 29.6, với 454/465 đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua luật BHXH sửa đổi.
Dự thảo luật vừa thông qua quy định, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1.7.2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần.
Người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi không được rút BHXH một lần.
Trước khi thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng về quy định rút BHXH một lần. 456/470 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua phương án này.
Quy định về rút BHXH một lần là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Ngoài phương án được thông qua nói trên (phương án 1), Chính phủ trình phương án thứ 2, chỉ cho phép người lao động hưởng tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho hay, ngày 18.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, có 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 87,32% số đại biểu cho ý kiến và bằng 63,66% tổng số đại biểu Quốc hội) lựa chọn phương án 1.
Có 38/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 10,70% số đại biểu cho ý kiến và bằng 7,8% tổng số đại biểu Quốc hội) lựa chọn phương án 2.
Có 7/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 1,97% đại biểu cho ý kiến, 1,64% tổng số đại biểu Quốc hội) không lựa chọn 1 trong 2 phương án mà đề xuất phương án khác.
Căn cứ kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo phương án 1 là phương án được đa số đại biểu lựa chọn.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, phương án được đa số đại biểu lựa chọn cũng là phương án có nhiều ưu điểm hơn.
Tuy vậy, dù giữ quy định về rút BHXH một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận BHXH một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống, như có chính sách tín dụng phù hợp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững.
Mức tham chiếu thay lương cơ sở
Về mức tham chiếu thay thế cho lương cơ sở để làm căn cứ tính lương hưu và một số chế độ BHXH, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, Nghị quyết số 27 đã xác định việc sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở khi áp dụng chính sách tiền lương mới, song việc triển khai thực hiện sẽ theo lộ trình phù hợp với thực tế, do đó trước mắt chưa bãi bỏ mức lương cơ sở.
Theo bà Thúy Anh, do chưa bãi bỏ ngay mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới nên cũng sẽ không có sự biến động, thay đổi lớn dẫn đến việc phải điều chỉnh ngay cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần.
Tuy vậy, để bảo đảm tính ổn định, dài hạn các quy định của luật BHXH (sửa đổi) sau khi Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng sử dụng cụm từ “mức tham chiếu” thay cho cụm từ “mức lương cơ sở”.
Theo đó, khi mức lương cơ sở chưa bãi bỏ thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở, đồng thời quy định những nguyên tắc để thực hiện điều chỉnh mức tham chiếu bao gồm yếu tố chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, khả năng ngân sách nhà nước, quỹ BHXH và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Nguồn: thanhnien.vn