Ngày 16.11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM có báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn giai đoạn 2017 – 2021.
Báo cáo cho thấy số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 8.283 người năm 2017 lên 51.401 người năm 2021. Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ còn 30.170 người, giảm tới 21.231 người so với năm 2021. Nếu so với 4,9 triệu lao động tại TP.HCM thì số người tham gia BHXH tự nguyện hiện chỉ chiếm 0,6% lực lượng lao động. Đáng lưu ý, tổng số người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện trong 10 tháng chỉ còn 848 người, giảm hơn 21.000 người so với năm 2021.
Trong khi đó, theo chỉ tiêu Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành T.Ư và Kế hoạch 2558 của UBND TP.HCM, số người tham gia BHXH tự nguyện đến năm 2025 tại TP.HCM phải chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng 150.000 người, trong 3 năm 2023 – 2025 bình quân phải tăng 50.000 người/năm.
BHXH TP.HCM phân tích có tình trạng giảm sâu này là do người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Đặc biệt, nhóm người lao động tự do không có nguồn thu nhập ổn định, bị mất việc làm; trong khi đó, giá cả tiêu dùng tăng nên họ hầu như không có khả năng tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện hoặc phải tạm dừng đóng.
Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, từ năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 có sự điều chỉnh theo hướng tăng lên (tăng 2,14 lần). Trong đó, mức đóng cho đối tượng thuộc hộ nghèo tăng từ mức 107.800 đồng/người/tháng lên 231.000 đồng/người/tháng; đối tượng thuộc hộ cận nghèo tăng từ mức 115.500 đồng/người/tháng lên 247.500 đồng/người/tháng; đối tượng khác tăng từ mức 138.600 đồng/người/tháng lên mức 297.000 đồng/người/tháng.
BHXH TP.HCM cũng đề cập việc mức đóng tăng nhưng chế độ không thay đổi, khiến chính sách về BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn. Hiện, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất (trái với BHXH bắt buộc có các chế độ khác như trợ cấp thất nghiệp, thai sản, ốm đau…); thời gian để hưởng chế độ hưu trí khá dài (20 năm tham gia BHXH).
BHXH TP.HCM đề ra hàng loạt giải pháp để hoàn thành mục tiêu chung song song với kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi luật BHXH năm 2014, xem xét giảm thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện ngắn hơn so với người tham gia BHXH bắt buộc; mở rộng thêm chế độ ngắn hạn cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM xem xét hỗ trợ thêm kinh phí tham gia bảo hiểm tự nguyện so với mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách TP.
Nguồn: thanhnien.vn