Người dân P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) nhận lương hưu tại Bưu điện TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng |
Người dân còn khá nhiều băn khoăn với sự thay đổi mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu, trong đó có 64% lo đồng tiền mất giá và 60% lo về sự không ổn định của chính sách BHXH.
Kết quả này có từ cuộc khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 50 người dân tại TP.HCM để tìm hiểu liệu họ đã biết những thay đổi của Luật BHXH mới không, đâu là những ưu tư của họ đối với BHXH?
Chưa thuyết phục số đông
Vào năm 2016, Luật BHXH mới có hiệu lực với hai điểm mới đáng chú ý. Theo đó, người lao động (NLĐ) sẽ phải đóng phí cao hơn do cách tính mới bao gồm luôn các khoản phụ cấp chứ không phải dựa trên mức lương cơ bản như hiện nay, đồng thời thời gian đóng phí sẽ kéo dài thêm 5 năm (nam đóng 30 năm, nữ đóng 25 năm) mới đủ thời gian để nhận lương hưu.
Theo quan điểm của người quản lý, lợi ích của sự thay đổi này là để NLĐ tích lũy lâu dài, khi hết tuổi lao động sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn so với mặt bằng hiện nay.
Tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 36% số người được hỏi đồng ý cách đóng BHXH mới sẽ mang lại lợi ích cho họ khi về hưu, trong khi đó có đến 46% không đồng ý với ý kiến này, còn lại 18,8% số người trả lời là họ không biết.
Đặc biệt, với những người “đã nghe qua những thay đổi của Luật BHXH mới”, tỉ lệ không đồng ý là 52%, trong khi tỉ lệ đồng ý chỉ có 32%. Điều này cho thấy với những người quan tâm đến việc thay đổi của Luật BHXH, họ ít tin tưởng vào những lợi ích mà họ sẽ được hưởng sau khi về hưu.
Việc NLĐ chưa tin tưởng lắm vào những lợi ích của việc đóng BHXH mới được thể hiện qua ý kiến của chị Quỳnh Ngọc Giàu (công nhân, Q.11): “Tôi còn trẻ, làm sao đợi đến lúc nghỉ hưu mới lấy tiền BHXH? Không biết lúc ấy còn sống không, sống nay chết mai mà”.
Ông Trần Văn Tuấn (52 tuổi, Q.6) cũng bày tỏ: “Mức lương hưu 75% so với các nước là cao nhưng bất cập là cách tính lương, bậc lương. Mức lương ở VN còn rất thấp, do đó khi về hưu hưởng 75% mức lương thì cũng không được bao nhiêu. Tỉ lệ lạm phát ở VN cũng cao nên khi nhận lương hưu thì một thời gian sau đồng tiền cũng không còn cao”.
Những ưu tư, lo lắng
Nói chung, lợi ích của việc đóng BHXH là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên với NLĐ hiện nay, họ cũng có những ưu tư, lo lắng về BHXH bởi phải một thời gian rất dài sau này họ mới được hưởng lợi từ chính sách lương hưu.
Có đến 64% số người được hỏi cho biết điều họ lo lắng nhất là “đồng tiền sẽ bị mất giá trong tương lai”, đặc biệt có đến 80% số người đã về hưu chọn ý kiến này.
Nỗi ưu tư, lo lắng đứng thứ hai là người dân “không biết BHXH sẽ còn có những thay đổi gì trong tương lai” với 60%. Rõ ràng là những quy định của pháp luật tại nước ta thường không có tính ổn định bởi luôn có những điều chỉnh mà người dân không thể biết trước được.
Do đó điều cần thiết là luật khi đã ban hành thì phải có tính ổn định thì người dân mới an tâm thực thi theo những điều đã được quy định.
Điều lo lắng thứ ba của người dân hiện nay là họ cho rằng “đóng BHXH thì dễ, lấy ra thì khó” với 58%. Như vậy, việc cải cách thủ tục chi trả BHXH sao cho dễ dàng hơn là điều cần thực hiện bên cạnh việc tăng mức phí và tăng thời gian đóng BHXH mà chúng ta sẽ áp dụng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cũng có 46% số người được hỏi cho biết điều họ lo lắng là thời gian đóng bảo hiểm quá dài. 44% cho biết họ lo mức lương hưu sẽ không đủ sống và tỉ lệ người đã về hưu chọn ý kiến này là 60%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 42,2% nơi nhóm đang làm việc.
Đồ họa: Việt Anh |
Bên cạnh nêu những ưu tư, lo lắng, những người được khảo sát còn nêu những điều họ mong muốn về BHXH. Chẳng hạn như anh Thạch Quốc Trung (công nhân, Q.Bình Thạnh) đề nghị: “Các thủ tục chuyển BHXH cần đơn giản và dễ dàng hơn vì công nhân có thể làm ở nhiều nơi.
Đồng thời cần giảm tiền đóng BHXH để NLĐ có số lương cao hơn nhằm trang trải cho cuộc sống”. Một đề nghị khác đó là phải rút ngắn thời gian thanh toán BHXH cho NLĐ.
“Doanh nghiệp trích từ lương NLĐ để đóng BHXH hằng tháng, trong khi NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH thì lại giải quyết kéo dài trên 2-3 tháng nhưng không nêu lý do vì sao giải quyết chậm cho NLĐ” – chị Võ Thị Liễu, nhân viên văn phòng, Q.Tân Phú.
Bên cạnh đó, NLĐ cũng đề nghị cần phải phạt nặng những doanh nghiệp, người sử dụng lao động trốn đóng BHXH cho NLĐ và Nhà nước nên hỗ trợ trượt giá cho mức lương hưu sau này (chị Đặng Quỳnh Thu, kế toán, huyện Bình Chánh).
* Anh Võ Minh Luân (27 tuổi, nhân viên văn phòng): Mức phí BHXH chỉ phù hợp với người có thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên, còn với mức lương công nhân khoảng 3 triệu đồng/tháng thì việc đóng BHXH là một gánh nặng. * Chị Nguyễn Thị Phương Anh (22 tuổi, nhân viên giám sát đơn hàng may balô): Tôi lo ngại là nếu nghỉ việc dang dở thì thời gian chờ đợi lấy được BHXH lâu, thậm chí có thể không lấy được tiền BHXH trong thời gian làm việc tại công ty cũ. * Anh Nguyễn Quang Huy (28 tuổi, công nhân): Việc đóng BHXH để mấy chục năm sau mới có lương hưu dường như chỉ phù hợp với NLĐ trong khu vực nhà nước. Với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, NLĐ hợp đồng ngắn hạn sẽ thiệt thòi bởi họ vừa mất việc, vừa bị giữ bảo hiểm đến hết tuổi lao động mới được lãnh. |
50 người tham gia trả lời thuộc 19 quận huyện tại TP.HCM, trong đó có: – 17 nam và 33 nữ. – 45 người hiện đang làm việc (cán bộ công chức, nhân viên công ty, bếp trưởng, công nhân, giáo viên, giảng viên) và 5 người đã nghỉ hưu. – Tuổi trung bình là 35,4. Trong đó người nhỏ tuổi nhất là 21 và cao nhất là 71. |
Nguồn: tuoitre.vn