Tình trạng trốn đóng, nợ đọng, bảo hiểm xã hội vẫn phổ biến ở nhiều loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước ở các ngành giao thông, xây dựng, các tập đoàn đang cơ cấu lại, các đơn vị ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị nhỏ, siêu nhỏ.
Nợ bảo hiểm xã hội gia tăng
Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra ngày càng phổ biến và có chiều hướng gia tăng về số đơn vị, số tiền nợ… Số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến ngày 30.4.2019 là 1.847 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ nợ 2,89% so với kế hoạch thu.
Nếu tình trạng nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp cứ kéo dài nhiều sẽ dẫn đến ảnh hưởng xấu đến quỹ BHXH, xâm hại đến quyền lợi của người lao động. Mặc dù nhiều biện pháp đã được thực hiện nhưng số nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn không giảm, thậm chí ngày càng gia tăng.
Nợ BHXH cũng rất đa dạng và phức tạp như đóng BHXH chưa đầy đủ, kịp thời, nợ kéo dài và với số tiền lớn làm ảnh hưởng tới các chế độ của người lao động. Có thể thấy, việc trốn đóng BHXH cho người lao động đang là “bệnh” của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp, ông Phan Văn Mến (Giám đốc BHXH TP.HCM) cho biết: “Do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế – xã hội nên các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn từ các khoản chi phí lương, BHXH, duy trì sửa chữa máy móc… khiến nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính để đóng đủ, đúng hạn tiền BHXH. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, hoặc cố tình không hiểu về BHXH, nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra cơ chế, chính sách pháp luật còn chưa đầy đủ, chồng chéo, đặc biệt là khâu tổ chức thực thi chưa đủ chặt chẽ và nghiêm khắc để xử lý các trường hợp vi phạm cũng dẫn đến tình trang nợ đọng BHXH kéo dài. Chính vì yếu tố này mà có không ít doanh nghiệp cố tình chậm đóng BHXH nhằm chiếm dụng tiền để phục vụ đầu tư, kinh doanh hay cho các mục đích khác. Ngoài ra, tình trạng nợ ảo cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng số nợ đọng BHXH. Nợ ảo là khoản nợ không có thực những vẫn phải theo dõi, thể hiện trên báo cáo, tạo ra những số liệu không trung thực về tổng nợ BHXH”.
Theo ông Mến, BHXH là trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Vì vậy, cần có biện pháp để nhanh chóng khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Trong thời gian tới BHXH TP phối hợp và tích cực thanh tra, kiểm tra, xử phạt; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động đối với các doanh nghiệp và người lao động chấp hành tốt pháp luật. Từ đó nâng cao ý thức văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp có ý thức trong việc trích nộp BHXH và sắp tới Tòa án nhân nhân tối cao sẽ ra Nghị quyết riêng về thực hiện một số điều của luật hình sự liên quan đến tội trốn đóng, cố tình không đóng về lĩnh vực BHXH, BHYT, khi đó BHXH TP sẽ chuyển nhiều đơn vị cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH sang cơ quan công an đề nghị truy tố theo luật định.
|
Trường hợp nào bị xử lý hành chính?
Việc không đóng (hoặc trốn đóng, kể cả chậm đóng) BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT là một trong các hành vi bị pháp luật BHXH, BHYT nghiêm cấm (điều 17, luật BHXH năm 2014; điều 9, luật Việc làm năm 2013 và điều 11, luật BHYT năm 2014).
Đối với vi phạm về BHXH, BHTN, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, điều 26, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22.8.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (được sửa đổi bổ sung một số điều bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7.10.2015) – sau đây gọi tắt là Nghị định số 95, người sử dụng lao động sẽ bị xử lý bằng hình thức phạt tiền.
Với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
Với mức từ 18% đến 20%, tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
Đối với vi phạm về BHYT, theo quy định tại khoản 2, 3, 4, điều 57, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là Nghị định 176), người sử dụng lao động bị phạt tiền với mức từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đóng BHYT không đủ số người có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động; hoặc bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đóng BHYT tương ứng cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động từ dưới 10 người lao động đến từ 1.000 người lao động trở lên; hoặc bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi đóng BHYT không đủ số tiền phải đóng tương ứng từ dưới 5.000.000 đồng đến từ 160.000.000 đồng trở lên.
Các mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong từng trường hợp theo Nghị định số 95 và Nghị định 176.
Khi nào thì bị xử lý hình sự?
Theo quy định tại điều 216, bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp trốn đóng từ 50.000.000 đồng trở lên, hoặc trốn đóng từ 10 người trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Nhiều chỉ tiêu thu vượt kế hoạch
Theo báo cáo của BHXH VN tính đến ngày 31.12.2018 cho thấy, số lao động thuộc diện tham gia BHXH của cả nước là 14,724 triệu người (trong đó BHXH bắt buộc 14,45 triệu người; BHXH tự nguyện 271 nghìn người) đạt 102,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tham gia BHTN 12,68 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tham gia BHYT 83,515 triệu người, đạt 102,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc 88,5% dân số (vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg). Toàn quốc cấp được 14,62 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,35% tổng số người tham gia.
Riêng BHXH TP.HCM, tính đến ngày 31.12.2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.339.890 người, tăng 139.189 người (6,3%) so với năm 2017, tham gia BHYT 7.214.323 người, tăng 416.160 người (6,1%); tham gia BHTN 2.243.790 người, tăng 52.589 người (2,4%); tham gia BHXH tự nguyện 5.440 người, giảm 4.238 người. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 86,46%, vượt 1,86% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời vượt 1,26% so với Nghị quyết số 35 của Hội đồng nhân dân TP. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 58.708 tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2017 và đạt 101,34% so với kế hoạch BHXH VN giao, trong đó: thu BHXH bắt buộc 43.296 tỉ đồng, thu BHYT 11.619 tỉ đồng, thu BHTN 3.572 tỉ đồng, thu BHXH tự nguyện 79 tỉ đồng, thu lãi chậm đóng 140 tỉ đồng.
|
Nguồn: thanhnien.vn