Ngày 11/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh này để thảo luận về tình trạng chậm đóng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ năm 2020 đến nay.
Theo ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc BHXH Quảng Nam, trong 5 tháng đầu năm, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ hơn 322 tỷ đồng BHXH, BHYT, BHTN. Đáng chú ý, có doanh nghiệp nợ hơn 246 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, có 1.184 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, với số tiền chậm đóng hơn 151 tỷ đồng. Các đơn vị khó thu với số tiền chậm đóng hơn 38 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Quảng Nam có 2.257 lao động tại 108 đơn vị đã giải thể, phá sản bị ảnh hưởng quyền lợi do đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN không có khả năng thu hồi.
Một số doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, như: Công ty TNHH May Minh Hoàng II gần 9 tỷ đồng, Công ty Cổ phần gạch men Anh Em DIC hơn 4,7 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Royal Capital hơn 4,6 tỷ đồng và Công ty TNHH Khu du lịch Vinacapital Hội An hơn 4,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, số tiền chậm đóng của các đơn vị hành chính – sự nghiệp, đoàn thể, xã, phường, thị trấn lên tới hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam nợ hơn 870 triệu đồng, Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam hơn 860 triệu đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam hơn 746 triệu đồng và Trường THPT Duy Tân hơn 211 triệu đồng.
Để tăng cường thu hồi nợ chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý các điểm nóng như đình công, lãn công, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Đồng thời, BHXH Quảng Nam phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của UBND các huyện, thị xã, thành phố để làm việc với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và cùng Công an tỉnh làm việc với các đơn vị nợ, chậm đóng.
Dù đã triển khai nhiều giải pháp, tình trạng chậm đóng vẫn còn cao, đặc biệt có nhiều đơn vị phát sinh chậm đóng số tiền lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Danh nêu rõ, dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế đã tác động lớn đến doanh nghiệp, làm tăng tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài ra, việc chấp hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN ở một số đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, công tác khởi kiện các đơn vị chậm đóng vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã đề nghị BHXH tỉnh và các ngành liên quan tích cực đôn đốc, tập trung xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Ông Tuấn cũng yêu cầu phân nhóm doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng nhiều, nhóm “cầu thị”, nhóm “bất khả kháng” và xử phạt hành chính các đơn vị chậm đóng, nợ BHXH, kể cả các đơn vị bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đến tháng 7 phải xử lý xong các nhiệm vụ đặt ra tại cuộc họp.
Nguồn: dantri.com.vn