VN-Index nới rộng biên độ tăng nhờ sự hỗ trợ đáng kể của các mã vốn hóa lớn, tăng 5,76 điểm tương ứng 0,46% lên 11.247,87 điểm. HNX-Index tăng 0,69 điểm tương ứng 0,31% và UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,17 điểm tương ứng 0,19%.
Thanh khoản nhỉnh hơn so với hôm qua, đạt 224,96 triệu cổ phiếu giao dịch trên HoSE tương ứng 6.102,69 tỷ đồng; trên HNX là 18,97 triệu cổ phiếu tương ứng 347,09 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 13,14 triệu cổ phiếu tương ứng 144,61 tỷ đồng.
Sắc xanh chiếm ưu thế trong bức tranh chung, với 405 mã tăng giá so với 281 mã giảm. Riêng sàn HoSE có 211 mã tăng, 145 mã giảm.
FPT tiếp tục là cổ phiếu có đóng góp đáng kể nhất cho VN-Index, góp vào mức tăng của chỉ số 0,96 điểm. Mã cổ phiếu này sáng nay tăng 1,94% lên 142.100 đồng, thiết lập đỉnh lịch sử mới. Tại mức thị giá này, FPT tăng hơn 6% trong một tuần và tăng xấp xỉ 5% trong một tháng qua.
Như vậy, giữa lúc nhiều nhà đầu tư ngắn hạn trầy trật với biến động thị trường thì giá trị tài khoản cổ đông FPT vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt là tài sản của những người sáng lập tập đoàn này như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT và 2 cộng sự lâu năm là ông Bùi Quang Ngọc – Phó chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên HĐQT – cũng tăng mạnh.
Ông Trương Gia Bình hiện sở hữu khoảng 88,73 triệu cổ phiếu FPT tương ứng tỷ lệ 6,99%; ông Bùi Quang Ngọc sở hữu 20,84 triệu cổ phiếu FPT tương ứng tỷ lệ 1,64% và ông Đỗ Cao Bảo sở hữu 12,06 triệu cổ phiếu FPT tương ứng 0,95% vốn điều lệ.
Ngày 3/12 tới, tập đoàn sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng), thời gian thanh toán dự kiến vào 13/12. Với gần 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự kiến sẽ phải chi khoảng 1.500 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 6, FPT đã chi trả nốt cổ tức còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, FPT còn thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Ngoài ra, trong sáng nay, cổ phiếu ngành bảo hiểm gây chú ý với diễn biến tăng mạnh mẽ và đồng loạt: BVH và MIG tăng kịch trần, trắng bên bán. BVH khớp lệnh gần 1,8 triệu đơn vị còn MIG khớp lệnh gần 1,3 triệu đơn vị, dư mua giá trần mức tương đương. BMI tăng 5,2% và BIC cũng có thời điểm tăng trần lên 34.700 đồng trước khi hạ độ cao, tăng 4,8%.
VCA tiếp tục tăng trần lên 9.720 đồng với thanh khoản thấp, trong khi dư mua giá trần gấp 10 lần khối lượng khớp lệnh. Các mã cùng ngành tài nguyên cơ bản đạt mức tăng khá tốt gồm DTL tăng 2%; DHM tăng 1,6%; BMC tăng 1%; PTB tăng 1%; HPG tăng 0,9%; SMC tăng 0,6%.
Mặc dù không có đột phá nhưng việc phần lớn cổ phiếu ngân hàng lấy lại sắc xanh đã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. OCB tăng 1,9%; LPB tăng 1,3%; CTG tăng 1%; HDB, SHB, VPB, MBB, MSB, VCB tăng nhẹ.
Ngành bất động sản phân hóa. Trong khi CCL tăng 3,4%; HDC, SGR, SZC, LHG tăng trên 1% thì nhiều mã điều chỉnh như SZL, QCG, DIG, D2D, VRE, VIC…
Nguồn: dantri.com.vn