Bệnh nhân bảo hiểm y tế làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Q. Bình Thạnh , TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA
Trách nhiệm quản lý quỹ bảo hiểm phải có sự tham gia của ngành y tế và lãnh đạo cấp tỉnh về quản lý nhà nước trên địa bàn. Làm sao để đồng tiền chi vào cho người bệnh, giảm những nhu cầu bất hợp lý. UBND tỉnh hỗ trợ kiểm tra, thanh tra bất cứ cơ quan nào có dấu hiệu trục lợi
Bà NGUYỄN THỊ MINH (tổng giám đốc BHXH Việt Nam)
Những số liệu trên được ông Lê Văn Phúc – phó trưởng ban phụ trách ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội VN – cho biết tại hội nghị “Giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT” do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM ngày 16-10.
Đơn thuốc 1 phút!
Ông Phúc đưa ra các nguyên nhân làm gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh BHYT như: giá dịch vụ y tế chưa hợp lý, không thực hiện đúng định mức theo quy định, thống kê thanh toán còn nhiều bất cập, lạm dụng chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú bất hợp lý và kéo dài, mua sắm thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý và tình trạng trục lợi từ BHYT.
Về giá dịch vụ y tế chưa hợp lý, ông Phúc lấy dẫn chứng liên quan đến dịch vụ nội soi tai mũi họng: theo tính toán, giá tối đa là 170.000 đồng, nhưng giá đang được áp dụng là hơn 200.000 đồng.
Về việc không thực hiện đúng định mức theo quy định, ông Phúc nêu ví dụ Bệnh viện Thái Thượng Hoàng (Nghệ An), hơn 2 giờ (buổi sáng) hàn composite cổ răng 24 răng, bình quân 5 phút/răng. Trong khi đó, định mức quy định là 30 phút/răng.
Còn một bác sĩ ở một phòng khám tại Cà Mau, trong 7 giờ làm việc khám 106 bệnh nhân, bình quân có những đơn thuốc chỉ “sản xuất” trong vòng 1 phút!
Về thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật, ông Phúc cho biết cơ sở khám chữa bệnh tách dịch vụ kỹ thuật, ghi tên dịch vụ kỹ thuật này thành dịch vụ kỹ thuật khác giá cao hơn.
Ví dụ như nội soi tán sỏi niệu quản thì thanh toán thêm phẫu thuật nội soi nong niệu quản hẹp; phẫu thuật cắt ruột thừa ghi thành phẫu thuật cắt ruột thừa có viêm phúc mạc; cắt u buồng trứng ghi thành cắt u buồng trứng cắm sâu trong tiểu khung…
Phòng khám 2 người muốn thanh toán 1,1 tỉ đồng/quý
Ông Phúc cũng nêu dẫn chứng về việc cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán cao đến bất hợp lý. Đó là phòng khám Tâm Đức (Bình Phước), có một bác sĩ, một điều dưỡng, nhưng trong một quý đã đề nghị thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội lên đến 1,1 tỉ đồng.
Trong khi đó, phòng khám răng hàm mặt Bệnh viện Việt Nam – Cuba có 18 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 7.000 thẻ BHYT đăng ký tại bệnh viện, nhưng trong quý quyết toán với bảo hiểm xã hội chỉ 1,2 tỉ đồng.
Về tình trạng người bệnh trục lợi từ BHYT, mượn thẻ BHYT của người khác đi khám bệnh, Bảo hiểm xã hội VN cho biết 5 tháng đầu năm nay, tại 46 tỉnh thành có 2.769 người khám từ 50 lần trở lên (đa số các trường hợp khám tại 4 cơ sở y tế trở lên có tình trạng lạm dụng thuốc).
Tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, 9 tháng đầu năm nay phát hiện hơn 40 trường hợp mượn thẻ BHYT.
Bà Nguyễn Thị Minh, tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, cho biết năm 2017, Bảo hiểm xã hội thu vào khoảng 80.000 tỉ đồng, trong đó được phép chi chỉ có 95%, tính ra được chi khoảng 76.000-77.000 tỉ, trong khi ước tính chi vượt đến 85.000 tỉ đồng. Trong khi đó, quỹ BHYT kết dư từ những năm trước chỉ được 1-2 năm nữa là hết.
Đề nghị nêu địa chỉ lạm dụng BHYT
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng vấn đề thanh toán chậm, treo, từ chối thanh toán, xuất toán, có những cái Bảo hiểm xã hội từ chối là đúng, nhưng cũng còn những cái cứng nhắc.
Về vấn đề lượt khám quá mức, kê giường tăng, ngày nằm viện tăng, chỉ định các loại thuốc, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh… cao hơn bình thường, theo bà Tiến, giám đốc các sở y tế, giám đốc bệnh viện, trưởng khoa, trưởng phòng tài chính kế toán bệnh viện phải siết chặt mới chấn chỉnh được.
Còn những trường hợp lạm dụng BHYT từ phía bệnh viện, bệnh nhân, bà Tiến đề nghị phía Bảo hiểm xã hội chỉ ra địa chỉ và số liệu cụ thể.
Nêu giải pháp cho những vướng mắc, bất cập trong khám chữa bệnh BHYT, bà Tiến cho biết Bộ Y tế sẽ đưa ra thông tư quy định bao trùm tất cả các loại bệnh viện và bỏ thông tư phân hạng đặc biệt bệnh viện vì không còn phù hợp. Từ đó, cũng không phân hạng cho bệnh viện tư.
“Một bệnh viện có 5-10 giường nhưng làm kỹ thuật cao thì phân hạng gì? Phải dựa vào thực tiễn, bệnh viện làm được kỹ thuật gì thì thanh toán theo kỹ thuật đó” – bà Tiến nêu thực tế để lý giải vì sao phải bỏ phân hạng bệnh viện.
Nguồn: tuoitre.vn