Từ trước đến nay tôi đều nhận lương hưu tại UBND phường cách nhà chỉ 2km. Trong trường hợp đau ốm không đi nhận được, tôi có thể ủy quyền người thân nhận lương giúp hoặc chính cán bộ phường đích thân mang lương đến tận nhà, không thất thoát đồng nào.
Trong khi đó ở địa phương tôi sinh sống (phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM), bưu điện lại ở rất xa. Trước nay nếu tôi muốn gửi thư, bưu thiếp, gói bưu phẩm thì đều phải lên tận Bưu điện Gia Định, hoặc sang Bưu điện quận Gò Vấp, Bưu điện phường Thanh Đa (quận Bình Thạnh), tất cả đều xa cả chục cây số, đi mất hơn 30 phút mới đến nơi. Hiện nay tình hình giao thông trong thành phố lại rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Rồi việc người già vừa lĩnh tiền rất dễ trở thành đối tượng của bọn cướp vì mắt mờ, tay yếu, không có khả năng phòng vệ.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn may mắn khi ở ngay tại TP. Đối với các cụ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, phải lặn lội lên tận bưu điện quận, huyện để nhận lương hưu còn vất vả hơn. Chính vì thế, những cán bộ hưu trí chúng tôi hiện rất lo lắng về việc thay đổi cách trả lương hưu này. Chúng tôi mong hãy tạo cho chúng tôi sự thuận lợi để nhận những đồng lương hưu của mình.
Ông Đào Phương Nguyên (cán bộ hưu trí Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Ông Cao Văn Sang (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM): Từ trước đến nay, tại nhiều địa phương, việc chi trả lương hưu được thực hiện chỉ thông qua một cá nhân (được gọi là đại lý) do UBND phường, xã giới thiệu, còn UBND phường, xã thực tế không có chức năng thực hiện công việc này. Chính vì vậy khi xảy ra thất thoát, mất mát, chi phí bù lại vẫn do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, nói cách khác cũng chính là tiền của người dân. Trước thực tế này, chi trả lương hưu qua bưu điện là cách làm khả thi để có một pháp nhân (đầy đủ nguồn lực về con người và tài chính) chịu trách nhiệm rõ ràng về mặt pháp lý. Về vấn đề đi lại xa xôi, trong văn bản của bảo hiểm xã hội VN có ghi rõ “điểm chi trả của hệ thống bưu điện phải thuận lợi, người hưởng không phải đi xa hơn điểm chi trả trước đây”. Riêng tại TP.HCM, với tình hình vẫn còn thiếu 170 trụ sở bưu điện (so với 322 xã, phường), chúng tôi đang cố gắng thương thảo với UBND phường xã để mượn địa điểm, duy trì việc phát lương như trước, chỉ thay đổi về mặt nhân sự. Tuy nhiên, hiện mọi thứ vẫn còn trong kế hoạch, vì TP.HCM và Hà Nội được Bảo hiểm xã hội VN cho phép đề xuất lộ trình thực hiện cho phù hợp với tính chất, đặc thù của thành phố. Dự kiến, đến cuối quý 3-2013, việc chuyển đổi này sẽ chưa áp dụng tại TP.HCM. Ngoài ra, trong phạm vi TP.HCM, chúng tôi cũng rất khuyến khích cán bộ hưu trí đăng ký nhận lương hằng tháng qua thẻ ATM vừa tiết kiệm thời gian, vừa đi lại thuận tiện, người thân cũng có thể nhận lĩnh giúp. |
Nguồn: tuoitre.vn