Tuổi Trẻ chuyển đến bạn đọc trải lòng của chị Lê Thị Kim Ngân (Hà Nội) trong quá trình theo nghề tư vấn bảo hiểm.
Chạy theo hào quang, bỏ quên đạo đức ngành bảo hiểm
Ở bất kỳ một nghề nghiệp nào, người làm tốt cũng xứng đáng được vinh danh, tưởng thưởng. Tuy nhiên, ở nghề đại lý bảo hiểm, dường như những hoạt động vinh danh “hơi quá”.
Không ít đại lý mải mê chạy theo những bữa tiệc dạ hội lấp lánh, danh hiệu nữ hoàng, nam vương bảo hiểm… mà quên đi giá trị cốt lõi nhất là sự bình an tài chính của khách hàng.
Đôi khi, họ cũng làm “màu” với danh hiệu, với những bữa tiệc, nhằm tuyển dụng được nhiều đại lý cấp dưới hơn. Vì mải mê hào quang, chạy theo danh hiệu, không ít người sẵn sàng chà đạp lên luật pháp, đạo đức…
Hậu quả, khách hàng là người thiệt thòi nhất khi không được bồi thường và có thể mất đi toàn bộ phí đóng, khi đặt niềm tin sai chỗ. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng thiệt thòi vì uy tín, thương hiệu bị ảnh hưởng, doanh số sụt giảm. Khi khách hàng hủy hợp đồng sớm, doanh nghiệp bảo hiểm còn chịu thêm tổn thất tài chính, vì thông thường năm đầu tiên của hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm đã phải chi ra nhiều tiền hơn là số phí thu về.
Việc tư vấn “láo”, đánh tráo khái niệm về bảo hiểm khiến người đại lý bán được nhiều bảo hiểm hơn, hợp đồng cấp nhanh hơn, họ “nhàn” hơn và “giàu” hơn rất nhiều so với những đại lý chân chính. Khách hàng đôi khi cũng hiểu lầm là họ làm giỏi, làm tốt hơn nên hợp đồng cấp nhanh, thuận lợi hơn. Chỉ đến khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì mới vỡ lẽ.
Đôi khi người đại lý bảo hiểm chân chính cảm thấy mệt, bất công, vì mình nỗ lực với nghề, nhưng khách hàng lại tin lời đường mật và các ảo mộng mà những đại lý kém cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp vẽ vời ra.
Hậu quả của chiêu trò “chơi game”, “cắt máu”…
Trong giới bảo hiểm, “chơi game” là từ lóng, ám chỉ những hợp đồng “ma”, không xuất phát từ nhu cầu thực tế tham gia bảo hiểm của khách hàng, nhằm chạy tiến độ danh hiệu, chạy doanh số trong một thời gian ngắn. Chỉ sau vài tháng những hợp đồng này có thể bị hủy.
“Cắt máu” là từ lóng ám chỉ những đại lý bảo hiểm sẵn sàng cắt hoa hồng bảo hiểm của mình cho khách hàng, để chốt được hợp đồng. Những đại lý này thường sớm bỏ nghề, vì thu nhập thực sự không có, hợp đồng của khách hàng bị “mồ côi”.
Còn nhiều những “chiêu trò” được lan truyền như: tự ký thay hoặc nói khách hàng tự ký thay cho người được bảo hiểm (trường hợp mẹ mua cho con, vợ mua cho chồng…). Thậm chí còn có chuyện tráo người khỏe thay người bệnh để đi khám thẩm định sức khỏe đầu vào, sửa đổi giấy tờ hồ sơ, giấu bệnh của khách hàng hoặc khuyên khách hàng kê khai không trung thực là điều không quá xa lạ… nhằm “qua cửa” thẩm định, hợp đồng bảo hiểm sớm được phát hành.
Song rủi ro là khách hàng có thể bị từ chối chi trả bồi thường, vì vi phạm nguyên tắc trung thực tuyệt đối (trừ khi chứng minh được chính đại lý là người “xúi” khách hàng hoặc tự kê khai không trung thực).
Không ít đại lý bảo hiểm “quên” tư vấn về các loại phí phải trả, dòng tiền, nghĩa vụ của khách hàng, và về điều khoản loại trừ. Đánh tráo khái niệm bảo hiểm thành sản phẩm tiết kiệm, đầu tư lãi suất cao, khiến khách hàng ôm mộng, rồi tá hỏa khi biết sự thật.
Tất cả chiêu trò trên đều phục vụ lòng tham của đại lý, tạo doanh số, có tiền, có danh hiệu.
Nghề bán bảo hiểm đâu chỉ có màu hồng!
Dù khó khăn nhưng tôi và nhiều người vẫn muốn làm đại lý bảo hiểm. Ngoài lý do đây là công việc không gò bó về thời gian, tạo nguồn thu nhập, đồng thời khi giúp được những khách hàng nhận được quyền lợi bảo hiểm, hoặc đơn giản là hiểu thêm về bảo hiểm, tôi đều cảm thấy rất vui.
Lý do quan trọng nhất khiến tôi không dừng bước là vì bảo hiểm nhân thọ không chỉ giúp cá nhân, gia đình có giải pháp tài chính dự phòng cho rủi ro, biến cố bất ngờ trong cuộc đời, mà còn đóng góp cho sự bình ổn của xã hội và sự phát triển của nền kinh tế.
Công việc đại lý bảo hiểm không hề dễ dàng, không hề nhiều màu hồng như được vẽ ra, đòi hỏi phải có kiến thức về tài chính, luật pháp, thậm chí cả y khoa.
Để làm đúng nguyên tắc, người đại lý bảo hiểm phải tốn rất nhiều thời gian và công sức cho việc: tư vấn điều khoản, cơ chế hoạt động sản phẩm, thu thập thông tin và cả tiền sử sức khỏe của khách hàng, hỗ trợ khách hàng khám sức khỏe… Các công việc kéo dài từ vài tuần đến hàng tháng.
Để giữ được uy tín, đảm bảo được quyền lợi của khách hàng, ngoài những khóa học trau dồi kỹ năng, người đại lý cũng phải đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để học thêm thật nhiều những kiến thức chuyên môn như nghiệp vụ bảo hiểm, nguyên lý bảo hiểm, tài chính bảo hiểm và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trước khi ký hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm rất dài và khó hiểu. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người mua bảo hiểm nhân thọ nên nắm rõ những nội dung nào? Đây là một trong những nội dung được hỏi nhiều trong chương trình giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online ngày 12-4 (chi tiết xem tại tuoitre.vn).
Trao đổi với bạn đọc Tuổi Trẻ, ông Ngô Trung Dũng – phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (ảnh) – khuyến cáo trước khi quyết định mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng nên cân nhắc nhu cầu thực sự và khả năng tài chính của mình ra sao để chọn sản phẩm với mức phí phù hợp.
Hợp đồng bảo hiểm khá dài với nhiều nội dung. Khách hàng cần đọc thật kỹ bảng minh họa quyền lợi. Yếu tố quan trọng nhất của hợp đồng bảo hiểm là bảo vệ. Nên người mua cần quan tâm kỹ đến quyền lợi khi không may ốm đau, tai nạn xảy ra thì được chi trả ra sao.
Nội dung quan trọng người mua bảo hiểm cần lưu ý là thời gian chờ. Thông thường, hợp đồng bảo hiểm quy định thời gian chờ đối với nằm viện là 30 ngày. Tức là kể từ khi ký hợp đồng, trong vòng 30 ngày, người mua bảo hiểm không may phải nằm viện thì viện phí sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.
Thời gian chờ đối với bảo hiểm bệnh hiểm nghèo là 90 ngày, với sinh con là 270 ngày… Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ không chi trả. Người mua bảo hiểm cần nắm được những nội dung này để biết được quyền lợi của mình được bảo vệ đến đâu, tránh những khúc mắc xảy ra.
“Là người trả phí, khách hàng có quyền đề nghị tư vấn viên giải thích rõ. Trường hợp được tư vấn, giải thích rồi mà thấy chưa thoải mái thì trong vòng 21 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, người mua bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả phí đã đóng” – ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài quyền lợi, theo ông Dũng, những vấn đề liên quan nghĩa vụ của người mua bảo hiểm cần nắm rõ khi đặt bút ký vào hợp đồng. Nhiều người không khai đầy đủ những bệnh của mình, từng khám, điều trị ở đâu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chi trả bồi thường bảo hiểm sau này.
Nhiều công ty bảo hiểm tổ chức thẩm định và điều tra trước khi trả tiền bảo hiểm. Họ sẽ từ chối trả tiền bảo hiểm nếu phát hiện người mua bảo hiểm không cung cấp đầy đủ, không trung thực các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh tật khi mua bảo hiểm. Đây là nguyên nhân chủ yếu xảy ra các tranh chấp của hợp đồng giữa khách hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm nhiều năm qua.
LÊ THANH ghi
Nguồn: tuoitre.vn