TP.HCM: 300.000 người lao động chưa được đóng BHXHKhông đồng tình tăng thu bảo hiểm xã hội“Luật không phù hợp nghị quyết trung ương thì căng quá!”
Phóng to |
Doanh nghiệp có nộp BHXH, người lao động mới yên tâm gắn bó với doanh nghiệp – Ảnh: Văn Giang |
Tại cuộc trao đổi trên, đại biểu Trần Thanh Hải bức xúc đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn có hiệu quả “tình trạng tước đoạt quyền được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội của người lao động (NLĐ)”.
Theo ông, “nợ bảo hiểm xã hội đã trở thành vấn đề nhức nhối và hình như chưa có thuốc giải”.
Nợ dai, nợ dài
Nợ bảo hiểm xã hội từ năm 2007 cứ tăng dần, ngoại trừ năm 2013 có giảm hơn so với năm 2012, nhưng số nợ năm 2013 gấp 2,74 lần so với năm 2007.
Hiện nay có 156 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có chủ bỏ trốn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hơn 54 tỉ đồng, ảnh hưởng đến 5.508 người lao động.
ĐB Trần Thanh Hải nói nhất trí cao về những quy định mới như: quyền của tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa, quyền của người lao động được người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ cung cấp thông tin.
Đồng thời tán thành những kiến nghị mạnh mẽ của của Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội như đề nghị bổ sung bộ luật hình sự về tội chiếm dụng, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội…
Theo ĐB Hải, những giải pháp mới này cho phép hạn chế một phần, nhưng như thế vẫn chưa đủ sức khắc phục tình trạng người sử dụng lao động không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội.
Điển hình ngành bảo hiểm xã hội đã tiến hành khởi kiện 2.463 đơn vị nợ nhưng số tiền thu hồi chỉ bằng 28,7% tổng số nợ bị kiện.
Do đó, cần đặt đúng vai trò chủ thể của người thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội và tính kịp thời trong xử lý. Cần bổ sung quyền được biết thông tin bảo hiểm xã hội bất cứ lúc nào của người lao động.
Phải chế tài và chế tài đủ mạnh
Theo ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định), nếu đã coi bảo hiểm xã hội là chính sách đảm bảo đời sống cho đông đảo người lao động, người hưởng các chế độ hưu trí và các chính sách an sinh xã hội, thì Nhà nước cần có những chế tài đủ mạnh, nhằm khắc phục tình trạng chây ì, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội như hiện nay.
Theo ĐB Trường, phải coi nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ, nộp kịp thời tiền bảo hiểm xã hội như nghĩa vụ nộp thuế của người sử dụng lao động và của người lao động.
Các cá nhân, tổ chức mà cố tình chây ì, chậm nộp, kể cả những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng chi trả quỹ bảo hiểm xã hội mà có các vi phạm thì phải cần xử lý bằng các biện pháp nghiêm minh như đối với các hành vi trốn thuế, lậu thuế và áp dụng các mức phạt, mức lãi suất truy thu, cưỡng chế thu và cao nhất là có thể bằng các biện pháp hình sự.
Các biện pháp chế tài đó theo đó cần phải quy định rõ trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này.
Cũng dưới góc độ quyền lợi của người lao động, ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) thống nhất với dự thảo luật, là qui định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là thu nhập thực tế của người lao động, “nhằm nâng mức hưởng lương của người lao động, đảm bảo tốt hơn đời sống của người lao động khi nghỉ hưu”.
Tuy nhiên, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ liên quan đến quyền lợi này của người lao động, ĐB Trần Thanh Hải nói rõ quan điểm đề nghị thực hiện ngay quy định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Đây là quy định đúng đắn, tiến bộ của Bộ luật Lao động năm 2012.
“Nếu không nghiêm túc thực hiện sẽ dẫn đến tình trạng tiền lương hưu của người nghỉ hưu sau này chỉ cao hơn tiền lương tối thiểu một ít, không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người nghỉ hưu” – ông Hải lo lắng.
Theo dự thảo luật, từ ngày luật có hiệu lực đến trước ngày 1-1-2018, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Theo ĐB Bạch Ngân, để quy định này có tính khả thi, lộ trình thực hiện từ ngày 1-1-2018 như dự thảo luật. Lý do được ĐB đưa ra vì khi đóng theo thu nhập thực tế, doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng gia tăng về chi phí đóng bảo hiểm xã hội nên cần có thời gian chuẩn bị, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế hiện nay. |
Nguồn: tuoitre.vn