Theo ông Nguyễn Mạnh Tú, Giám đốc BHXH Ninh Thuận, người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng). Như vậy, mức đóng thấp nhất là 154.000 đồng mỗi tháng. Mức đóng có thể thay đổi theo lựa chọn của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng theo phương thức: hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau (không quá 5 năm/lần). Trường hợp người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm và có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm (120 tháng) và được hưởng hưu trí sau tháng đóng đủ. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Theo đó, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25%, và các đối tượng khác là 10%. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (hiện nay mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng, được hỗ trợ 46.200 đồng đối với hộ nghèo, 38.500 đồng đối với hộ cận nghèo,15.400 đồng đối với hộ còn lại). Như vậy, nếu một người lao động đóng BHXH tự nguyện 20 năm, ở mức đóng thấp nhất 154.000 đồng thì hằng tháng thực đóng là: 138.600 đồng/tháng (154.000 đồng – 15.400 đồng được nhà nước hỗ trợ). Nếu đóng đủ 20 năm thì tổng số tiền thực đóng không vượt quá 35 triệu đồng. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
Đối với nữ: Thời gian đóng BHXH là 20 năm, theo đó 15 năm đầu tính bằng 45%; từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 là 5 năm, tính thêm: 5 x 2% = 10%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng là: 45% + 10% = 55%. Vậy mức lương hưu hằng tháng ít nhất là: 55% x 700.000 đồng/tháng (tăng theo tỷ số tiêu dùng hằng năm) = 385.000 đồng/tháng.
Đối với nam: Từ năm 2020 trở đi, thời gian đóng BHXH tự nguyện là 20 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng bằng 45%. Vậy mức lương hưu hằng tháng ít nhất là: 45% x 700.000 đồng/tháng (tăng theo tỷ số tiêu dùng hằng năm) = 315.000 đồng/tháng.
Lương hưu được điều chỉnh tăng lương theo mức lương cơ sở hoặc theo quy định Chính phủ theo từng thời kỳ.
Về quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện khi đến năm hưởng lương hưu được quỹ BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở KCB có đăng ký KCB ban đầu được hưởng 95% chi phí khi đi khám chữa bệnh, trong khi nếu tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thì chỉ được hưởng 80%. Khi qua đời, thân nhân của họ được mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết và hưởng tuất một lần. Theo đó, mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm một tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng. Ngoài ra, người lao động đóng BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên khi mất đi thì thân nhân sẽ được hưởng mai táng phí và tuất một lần. Đóng BHXH tự nguyện mức 700.000 đồng/tháng trong 5 năm khoảng hơn 8 triệu đồng, trong khi hưởng mai táng phí là 13,9 triệu đồng + tuất một lần khoảng 7 triệu đồng = 20,9 triệu đồng.
Để người dân hiểu rõ những chính sách ưu đãi của Nhà nước, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Ninh Thuận đang tích cực phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên tuyên, phổ biến pháp luật về quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện đến từng khu phố, hộ gia đình. Trong tháng 1.2019, bước đầu triển khai tại 4 khu dân cư, với gần 200 người được nghe phổ biến chính sách, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện thì có hơn 30 người tự nguyện tham gia. Tỷ lệ này được đánh giá khá cao so với trước đây.
Nguồn: thanhnien.vn