Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024, tổ chức ngày 26-12 tại Hà Nội.
Rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, vì sao?
Theo Phó thủ tướng, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng, không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng là điều đáng báo động.
Mất việc, thất nghiệp thời gian qua khiến lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao là vấn đề mà cơ quan chức năng phải cải cách chính sách phù hợp, đồng thời tăng lòng tin của người lao động.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm sớm khắc phục vấn đề.
Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu ngoài mất việc làm, việc rút bảo hiểm xã hội một lần còn xuất phát từ truyền thông và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tại địa phương chưa thường xuyên, chưa đạt hiệu quả. Đối thoại, thương lượng trong doanh nghiệp chưa thực chất.
Qua thống kê, giai đoạn 2016 – 2022, gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, số người tham gia trở lại chỉ là 1,3 triệu người. Trong đó, chủ yếu người rút bảo hiểm xã hội còn trong độ tuổi lao động (chiếm 99% trong số 5 triệu người nói trên).
Trước tình trạng đó, ban soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung nhiều quy định khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng. Ví dụ như giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách chi trả khi hưởng trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ tín dụng khi chưa tìm được việc mới…
Nghiên cứu nâng mức ưu đãi cho người có công
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bám sát nhu cầu thị trường lao động, trong đó có hoàn thiện sàn giao dịch việc làm quốc gia để theo dõi, đánh giá nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, mong muốn tìm việc của người lao động.
Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, cung cấp ưu đãi, hướng tới mức ưu đãi người có công cao nhất trong các chính sách xã hội, đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng quy tập, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ.
“Khi quy tập liệt sĩ phải lấy được ADN để xác định danh tính. Khi có điều kiện chúng ta sẽ trả lại tên, trả lại những sự mong chờ của người thân, cha mẹ liệt sĩ. Việc này rất ý nghĩa nên các đồng chí phải làm sớm”, ông Hà đề nghị.
Phó thủ tướng cũng nhắc tới việc giảm thiểu bạo lực trẻ em, trẻ đuối nước, thích ứng quá trình già hóa và mất cân bằng giới trong dân số…
“Các bộ, ngành phải nhận thấy đây là một thách thức rất lớn. Sẽ đến một lúc nào đó một người lao động phải nuôi 4 – 5 người già. Chúng ta phải lo vấn đề an sinh ngay từ bây giờ”, lãnh đạo Chính phủ bày tỏ.
Ghi nhận các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị toàn ngành nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.
Đặc biệt là 3 chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao gồm tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69% và giảm nghèo chuẩn đa chiều trên 1%. Bộ cũng phấn đấu trình Quốc hội thông qua hai dự án Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm sửa đổi.
Nguồn: tuoitre.vn