Nhiều thành viên trong đoàn du lịch Mỹ này đã ở tuổi nghỉ hưu – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nữ như hiện nay là 55, nhưng cũng có nhiều người đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 như đề xuất của Bộ Lao động – thương binh và xã hội.
Về phía mình, tôi nghiêng về việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 như hiện nay.
Phụ nữ cần vốn thời gian cho bản thân
Tôi có thâm niên 33 năm làm việc trong ngành ngân hàng. Là người chỉn chu trong từng công việc, luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu nên tôi cảm thấy khi đã bước qua bên kia con dốc cuộc đời, trách nhiệm và áp lực trong công việc rất lớn.
Vì vậy tôi muốn sớm… “cởi áo lui về vui thú điền viên” ở tuổi 55 – cái tuổi còn có thể hưởng thụ cuộc sống đúng nghĩa thêm chừng chục năm trước khi trở thành gánh nặng cho người thân.
Đó cũng là lý do trước khi nghỉ hưu vào cuối năm nay, tôi vẫn còn dùng dằng chưa dứt khoát trước lời mời cộng tác thêm năm năm của cơ quan.
Tác giả trong một chuyến đi du lịch ở Ireland – Ảnh: NVCC
“Tôi nghĩ với lao động nữ, không nên quy định cứng nhắc nghỉ hưu ở đúng một tuổi nào đó mà nên quy định tuổi có thể nghỉ hưu bắt đầu từ 55, nhưng không quá 60. Quy định như vậy giúp chị em tùy vào hoàn cảnh của từng người mà quyết định khi nào có thể dừng bước để toàn tâm toàn ý chăm lo cho bản thân và gia đình
Đỗ Thị Huỳnh Hoa
Thật ra trong thời gian còn làm việc, vì còn độc thân nên tôi vẫn có thể hưởng thụ cuộc sống ít nhiều qua các chuyến… đi bụi bằng những ngày phép, ngày lễ tết trong năm.
Nhưng những phụ nữ đang nặng gánh gia đình làm sao có thể dành nhiều thời gian cho bản thân mình khi trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc con cái lúc nào cũng đè nặng hai vai?
Vậy nên nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, nhiều phụ nữ sẽ có được ít nhiều vốn thời gian cho gia đình và nhất là cho riêng mình.
Nhưng nhiều người cũng muốn thu nhập ổn định
Nhưng ngược lại, nhiều bạn bè của tôi lại thiên về hướng nâng tuổi nghỉ hưu cho nữ. Một trong những lý do đó là muốn có thêm vài năm thu nhập từ công việc hiện hữu.
Những người bạn của tôi, sau hơn 30 năm cần cù làm việc, thu nhập hằng tháng của một cán bộ cấp quản lý đủ để lo liệu tất tần tật cho cuộc sống của hai vợ chồng, hai con đang tuổi đi học và trợ cấp ít nhiều cho cha mẹ đang ở tuổi gần đất xa trời, cất một căn nhà nhỏ trên đất cha mẹ cho.
Nếu nghỉ hưu ở tuổi 55 như bây giờ, tiền trợ cấp hằng tháng từ bảo hiểm xã hội các bạn tôi chỉ nhận chưa đến 5 triệu đồng. Với đồng lương hưu ít ỏi đó, khó lòng lo đủ mỗi chuyện ăn học cho hai đứa con, nói gì đến ai khác hay chuyện gì khác.
Đó là chưa kể những chi phí đột xuất như bệnh tật, ma chay, cưới hỏi, sinh nhật… Cho nên làm thêm được năm năm là thu nhập ổn định thêm được năm năm, không phải lo xoay xở chuyện cơm áo gạo tiền các thứ.
Một lý do nữa để muốn nâng tuổi nghỉ hưu là từ những chị em độc thân. Xu hướng sống ngày nay, hoàn cảnh công việc, môi trường làm việc… dẫn đến rất nhiều người chọn cách ở một mình. Với người có chồng con thì còn bao chuyện phải lo lắng khi nghỉ hưu.
Còn với người chỉ một thân một mình, với sức khỏe và sinh lực còn tràn trề thì nghỉ hưu xong, dù có chọn cách nghỉ ngơi bằng việc đi du lịch đó đây, các hoạt động thiện nguyện… như lời khuyên của các chuyên gia thì quỹ thời gian vẫn còn nhiều. Đó là chưa nói với đồng lương hưu ít ỏi có đủ để đi du lịch như mình mong muốn hay không.
Một trong những lý do quan trọng để cần nâng tuổi nghỉ hưu ở nữ nữa là… được tận dụng thêm kinh nghiệm, độ sâu về mặt chuyên môn của những người có trên 30 năm trong nghề để phục vụ tốt cho xã hội. Xã hội sẽ rất thiệt thòi khi không nâng tuổi nghỉ hưu cho những lao động có tay nghề cao.
So sánh với nước ngoài là khập khiễng
Ở các nước tiên tiến, dân số ít, lương hưu cao, điều kiện làm việc được đảm bảo thì tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ từ 65 trở lên là bình thường. Và còn có những quốc gia mà nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tiếp tục làm việc cho đến khi nào có thể – thường là 70.
Ở những quốc gia này điều kiện làm việc luôn được đảm bảo, chế độ y tế tốt, lương hậu hĩnh nên việc kéo dài tuổi lao động không thành vấn đề lớn phải tranh cãi như ở nước ta.
Còn Việt Nam là nước đông dân số nên có một lượng lao động trẻ luôn mong đợi để được thay vào chỗ những người về nghỉ hưu. Điều kiện làm việc ở một số ngành nghề lại rất nặng nhọc, độc hại.
Nhiều lĩnh vực đồng lương tương đối thấp, giá cả hàng hóa dịch vụ không ngừng tăng cao khiến người lao động phải tằn tiện trong chuyện ăn uống và tái tạo sức lao động.
Song song đó, việc khám điều trị bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn nên sức khỏe người lao động bị giảm sút trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Không ít người mắc những bệnh nghề nghiệp, bệnh nan y và qua đời trước khi được nhận sổ hưu…
Ngoài ra, việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội thời gian qua có nhiều điều chưa minh bạch, dễ thất thoát qua việc đem gửi ở những nơi có nguy cơ mất tiền như báo chí đã đưa tin. Từ đó mà nhiều người không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Nguồn: tuoitre.vn