Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên hết nhiều loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân có đóng bảo hiểm y tế hơn 1 tháng qua – Ảnh: DUY THANH
Ngày 21-3, ông P.V.L. (ngụ phường 2, TP Tuy Hòa) cho biết tuần trước, ông đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên khám định kỳ bệnh mãn tính. Thay vì cho 5 loại thuốc uống như những lần khám trước, thì lần này bác sĩ chỉ cho 2 loại.
“Tôi hỏi vì sao thì được bác sĩ trả lời là vì các loại thuốc kia đã hết tại bệnh viện, đang chờ đấu thầu thuốc, khi nào có sẽ cấp. Tôi đành phải ra cơ sở dược bên ngoài mua uống tạm” – ông L. bày tỏ.
Nhiều bệnh nhân ở Phú Yên cũng có bức xúc tương tự.
Chậm đấu thầu thuốc do tập trung chống COVID-19?
Ngày 21-3, một lãnh đạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên – chủ đầu tư đấu thầu thuốc giai đoạn 2021-2023 – thừa nhận việc đấu thầu thuốc chậm nên khoảng 1 tháng nay, bệnh viện này và nhiều cơ sở khám chữa bệnh Phú Yên bị thiếu một số loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, chủ yếu là nhóm thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Vị này nói rằng nguyên nhân việc chậm đấu thầu thuốc là do nhân lực bệnh viện thiếu, tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19, nhiều nhân viên trở thành F0, F1 phải cách ly nhiều ngày.
“Việc dự trữ, cung ứng thuốc gặp nhiều khó khăn trong tình hình dịch phức tạp, gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Giai đoạn dịch bùng phát Bộ Y tế cũng chỉ đạo cấp thuốc điều trị 2-3 tháng thay vì 1 tháng cho các bệnh nhân bệnh mãn tính, khiến hiện nay những loại thuốc này không còn” – vị này giải thích.
Một cán bộ của Bảo hiểm xã hội Phú Yên cho biết nếu đúng thông lệ thì việc đấu giá thuốc hoàn tất vào tháng 11-2021, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên mãi đến ngày 12-3-2022 việc đấu thầu mới hoàn tất.
BS Nguyễn Thị Mộng Ngọc – giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên – xác nhận do năm 2021 ngành y tế phải tập trung hết sức phòng chống dịch COVID-19 nên cũng có những khâu, những hoạt động bị ảnh hưởng, chậm hơn so với không có dịch, chứ ngành y tế Phú Yên không bê trễ.
Bà Ngọc cho biết tuần rồi việc đấu thầu thuốc đã xong, các bệnh viện, cơ sở điều trị sẽ sớm có thuốc cấp cho bệnh nhân.
Quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế thế nào?
Trong tình hình đó, BS Ngô Đình Quốc – phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế thị xã Đông Hòa – cho biết bệnh viện phải động viên bệnh nhân và người nhà thông cảm ra bên ngoài mua dùng tạm trong khi chờ có kết quả đấu thầu thuốc.
“Nếu bệnh nhân không đồng ý thì chúng tôi phải chuyển lên tuyến trên” – ông Quốc nói.
Còn lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cũng cho hay giải pháp chỉ là rút ngắn thời gian tái khám bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, chẳng hạn trước đây 1 tháng tái khám thì nay đề nghị tái khám sau 1 hoặc 2 tuần.
Chị M.K.T., ở thị xã Đông Hòa, nói rằng cha chị vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để điều trị nội trú 10 ngày qua, nhưng vì bệnh viện hết thuốc nên gia đình phải ra bên ngoài để mua, trong đó có một số thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
“Ngày ít thì mua 100.000 đồng, nhiều thì 400.000 đồng. Tôi không rõ là sau này bảo hiểm có tính toán trả lại cho bệnh nhân các khoản mua thuốc mà lẽ ra bệnh viện phải cấp để điều trị hay không, nếu không thì thiệt hại của bệnh nhân ai chịu?” – chị T. nêu thắc mắc.
Về vấn đề trên, bà Lê Thị Anh Xuân – trưởng phòng giám định bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên – giải thích: “Theo quy định thì cơ sở điều trị phải cung ứng thuốc đảm bảo cho việc điều trị bệnh nhân, bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán trên hồ sơ điều trị. Còn việc bệnh nhân ra ngoài mua thuốc, dù lý do bệnh viện không còn thuốc, thì không thuộc quy định bảo hiểm xã hội chi trả”.
Thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giảm
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên, tháng 1-2022, đơn vị này đã thanh toán hơn 30,8 tỉ đồng chi phí khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 95.056 lượt người, so với cùng kỳ năm trước giảm 38,9% số người và 32% số tiền.
Tháng 2-2022 đã thanh toán hơn 30 tỉ đồng chi phí khám – chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 86.364 lượt người, so với cùng kỳ năm trước giảm 25,8% số người và 21,5% số tiền.
Nguồn: tuoitre.vn