Trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về giải quyết chế độ cho đối tượng chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước khi dự luật này có hiệu lực để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay liên quan đến đối tượng chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng đối tượng thời gian qua, tại nghị quyết số 88 của Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương xây dựng báo cáo, cập nhật số liệu và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với tình trạng thu bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh.
Đồng thời, tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan để trình Chính phủ.
Do vậy, trên cơ sở báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Chính phủ đã xác định trường hợp việc xử lý thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ thống nhất phương án xử lý.
Đồng thời tiếp thu, bổ sung tại điều khoản thi hành của dự thảo luật sửa đổi với đối tượng chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước khi luật này có hiệu lực thi hành để báo cáo Quốc hội.
Trước đó, trong tờ trình của bộ gửi Chính phủ về dự thảo luật nêu rõ theo quy định hiện hành có hai nhóm hộ kinh doanh, gồm hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh.
Trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.
Theo số liệu thống kê, có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Đồng thời, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Song tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu bắt buộc đối với đối tượng này.
Từ đó, bộ đề xuất trong dự thảo luật quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh).
Bên cạnh đó, tại dự luật cũng giao Chính phủ quy định việc tham gia bắt buộc đối với các đối tượng khác phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia bắt buộc.
Ngoài ra, thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tới hết tháng 5-2023, có 3.567 chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, có 700 người đã hưởng chế độ hưu trí, một lần hoặc hoàn trả tiền đã đóng. Hơn 1.420 người tiếp tục đóng theo diện khác (như tự nguyện, bắt buộc…); hơn 1.440 người bảo lưu thời gian đóng.
Về thời gian chủ hộ kinh doanh đã đóng bắt buộc, có hơn 1.330 người tham gia trên 15 năm, hơn 900 người đóng từ 10 – 15 năm, hơn 1.300 người đóng dưới 10 năm.
Nguồn: tuoitre.vn