Chiều 24-6, với 481/482 (bằng 97,37% tổng số đại biểu tham gia) đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Quốc hội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật…
Quốc hội cũng quyết định thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) quy định tại nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian từ ngày 1-7-2023 đến hết ngày 31-12-2023.
Quốc hội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỉ đồng.
Vì sao không mở rộng phạm vi đối tượng giảm thuế VAT?
Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Về đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm 2% thuế VAT để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024, ông Cường nêu rõ nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế VAT sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước.
Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, đề nghị giữ phạm vi và mức độ giảm thuế VAT như dự thảo nghị quyết.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT cùng với kết quả thực hiện nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có)…
Nguồn: tuoitre.vn