Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, sau 6 tháng áp dụng luật BHYT sửa đổi, bổ sung (từ ngày 1.1.2016), tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT diễn ra ở nhiều nơi và ngày càng tinh vi.
Một số cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đã lợi dụng chính sách thông tuyến KCB BHYT để lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, qua giám định đã phát hiện có trường hợp đi khám bệnh tới 27 lượt/tháng, thậm chí trong một buổi đi khám ở 2 – 3 cơ sở khác nhau, lấy thuốc đem bán.
Việc lạm dụng quỹ còn xảy ra tại các cơ sở KCB với nhiều cách như: chỉ định sử dụng quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh, nhiều thuốc đắt tiền, nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Một số cơ sở KCB mua sắm thuốc, vật tư y tế vượt quá số lượng trúng thầu, lắp đặt máy móc xã hội hóa không đúng quy định.
Ông Sơn dẫn chứng: “Chỉ riêng việc thay đổi giữa dùng chai thủy tinh và chai nhựa để đựng nước cất tại một số tỉnh thành đã chênh lệch 15 tỉ đồng. Quá trình kiểm tra ở một số cơ sở KCB cho thấy có tới 90 – 100 cơ sở KCB chỉ định nội soi tai mũi họng. Tại một tỉnh phía bắc, trong 3 tháng, riêng chi phí chỉ định điện tim, siêu âm đã lên đến 12 tỉ đồng. Mức chi bất hợp lý này BHXH sẽ kiểm tra và thẩm định lại.
Thống kê của BHXH VN, 6 tháng đầu năm, tổng chi KCB tại các tỉnh là 30.372 tỉ đồng, trong khi tổng quỹ KCB BHYT là 28.220 tỉ đồng, quỹ đang bị âm 2.152 tỉ đồng. Trước tình trạng bội chi KCB BHYT ở mức báo động, BHXH VN sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH để phục vụ việc giám định, thanh toán BHYT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Từ 2017 nếu các cơ sở KCB không liên thông dữ liệu sẽ không được KCB thông tuyến.
tin liên quan
Không phân biệt giữa người khám BHYT và khám dịch vụ
Sáng 3.6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc, bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT).
Nguồn: thanhnien.vn