Một buổi tuyên truyền về bảo hiểm xã hội tại TP.HCM – Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Theo đó, ông Trần Ngọc Sơn – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội cho biết lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội tại TP.HCM năm 2019 là gần 54%, bảo hiểm thất nghiệp là gần 53%. Tuy nhiên ông Sơn cho biết việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với một số doanh nghiệp còn hạn chế.
Thực trạng các doanh nghiệp nợ, không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thường diễn ra. Nhiều đơn vị không đóng bảo hiểm cho lao động hoặc kê khai số lao động ít hơn so với thực tế…
Ông Trần Dũng Hà – phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết hiện nay có tình trạng người lao động sau khi nghỉ việc mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, thế chấp, buôn bán, sau đó yêu cầu cấp lại sổ.
Ông Hà cho biết đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây lãng phí cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, hiện nay người hưởng lương hưu ủy quyền việc hưởng lương hưu cho người thân với thời gian ủy quyền dài, gây khó khăn cho đơn vị bảo hiểm xã hội trong việc xác minh người ủy quyền còn sống hay đã mất để chi trả lương hưu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM – cho biết có tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội bằng hình thức buôn bán sổ bảo hiểm xã hội; một số đối tượng mua hàng chục sổ bảo hiểm xã hội; nhiều công ty lập khống hồ sơ bảo hiểm xã hội, ký nhiều hợp đồng lao động nhưng số lao động này không làm việc tại đơn vị nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có đông người lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội, có trường hợp nợ lên đến 40 tỉ đồng.
Ông Hậu cũng nhận định chế tài các đối tượng trục lợi bảo hiểm xã hội còn quá yếu. Nếu như trước đây, các đối tượng trốn đóng bảo hiểm xã hội chỉ bị phạt hành chính thì hiện hành vi này được coi là tội phạm.
Dù vậy, ông Hậu cho biết thời gian qua quy trình khởi kiện còn nhiều lúng túng, nếu muốn khởi kiện doanh nghiệp, từng người lao động phải làm ủy quyền khởi kiện nên gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Chí Tâm – phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM – cho biết thủ tục ủy quyền của người lao động khi khởi kiện còn tốn kém, mất thời gian. Đa số các vụ kiện, chủ doanh nghiệp đều vắng mặt, tài sản không còn. Nhiều người lao động không chứng minh được các chứng cứ khởi kiện doanh nghiệp.
Luật sư Hậu cho rằng TP.HCM cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc pháp luật, cần xử lý mạnh tay các đơn vị chiếm dụng ‘của để dành’ của người lao động; nâng cao công tác tuyên truyền vận động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến người dân.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội – cho biết sở sẽ tăng cường thanh tra pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Ông Sơn kiến nghị UBND các quận, huyện cần tích cực thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất xử lý vi phạm đến sở.
Phát biểu tại chương trình, ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – chỉ đạo Sở Lao động – thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, chuyên gia để tổ chức khắc phục, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi trốn đóng bảo hiểm, gian lận, trực lợi; tiếp tục cải cách quy trình thủ tục, thực hiện giao dịch điện tử với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…
Nguồn: tuoitre.vn