Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, trao đổi với PV Dân trí về việc một số thông tin gần đây không chính xác khi cho rằng, sẽ có lợi hơn khi tham gia bảo hiểm thương mại so với khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Sự khác biệt lớn nhất là mục đích
Theo đại diện BHXH VN, bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, còn bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích là sinh lời.
Như vậy, khoản lời của bảo hiểm nhân thọ được lấy từ chính tiền của người tham gia. Cần lưu ý là thù lao cho đại lý của bảo hiểm nhân thọ là rất lớn (từ 20 đến 25% trong năm đầu và giảm dần trong các năm về sau nhưng không dưới 5%).
Về điều kiện, mức phí tham gia
Đối tượng tham gia BHXH là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng xác định trước là 22% vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, các gói quyền lợi thì thấy có vẻ hấp dẫn nhưng đều được đặt ra điều kiện khá ngặt nghèo về tuổi đời, sức khỏe tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro.
Về quyền lợi
Ông Phạm Lương Sơn cho biết: “Tiền đóng vào quỹ BHXH đều được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng từng năm (CPI) theo quy định của Chính phủ được công bố tại năm mà người tham gia hưởng chế độ (chỉ số CPI tăng bình quân 8,1%/năm, tính từ năm 2008 đến nay). Còn bảo hiểm nhân thọ thì tính theo lãi suất thị trường”.
Trường hợp người đang tham gia BHXH khi chết hoặc bị thương tật vì bất cứ lý do gì thì thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH.
Còn đối với bảo hiểm nhân thọ có quy định doanh nghiệp không phải trả tiền bảo hiểm trong một số trường hợp.
Ví dụ: Trường hợp chết do tự tử trong thời hạn hai năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình
“Người lao động khi làm việc, được người sử dụng lao động đóng BHXH để hưởng đủ các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Trường hợp người đủ 15 tuổi nhưng không thuộc diện được người sử dụng đóng BHXH thì có thể tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất” – ông Phạm Lương Sơn nói.
Trường hợp người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Trong thực tế, gần như hàng năm Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu.
“Chỉ tính riêng cho giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần (tùy theo nhóm đối tượng) so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002” – ông Phạm Lương Sơn nói.
Đại diện BHXH VN cũng cho biết, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh…
Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần).
Đây là ưu điểm vượt trội của BHXH. Đối với bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi được hưởng theo hợp đồng đã ký kết.
“Như vậy, có thể nói người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và chính lương hưu mới là cứu cánh cho người lao động khi về già, khi mà không còn khả năng để lao động tạo thu nhập” – ông Phạm Lương Sơn nói.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nghiệp vụ ngành BHXH
Báo cáo của BHXH VN cho biết, từ tháng 1-8/2017, BHXH Việt Nam đã tập trung hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành phù hợp với các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Trong đó có một số văn bản quan trọng như sau: Quy trình quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; quy trình giao dịch điện tử; thủ tục, quy trình giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; quy trình thanh tra, kiểm tra; quy trình kiểm toán nội bộ. Về lĩnh vực ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về: Xây dựng dự toán giao cho các địa phương; chỉ đạo BHXH các tỉnh tập trung thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; kế hoạch bàn giao sổ BHXH cho người lao động; triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT.…Đánh giá chung cho thấy, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ được BHXH VN ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền. Những văn bản liên quan đến các nội dung, vấn đề phức tạp trước khi ban hành đều gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu quản lý.
N.Q
Mới mất việc, có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Ông Bùi Minh Hà ở Hà Nam hỏi: Tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động và chưa tìm được việc làm. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;
+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
– Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;
+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
Như vậy, ông Bùi Minh Hà sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nêu trên.
M.A
Con liệt sĩ được cấp thẻ BHYT
Ông Lê Thiết Hùng (tỉnh Quảng Trị) có 2 em là Lê Văn Tuấn, sinh năm 1960 và Lê Văn Thiên sinh năm 1965, cùng ở tại khu 9, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; đều là con của liệt sĩ Lê Quang Trung (thôn Tân Định, xã Triệu Quang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Năm 2015, gia đình làm hồ sơ cấp thẻ BHYT theo quy định nhưng cán bộ chính sách của thị trấn chỉ cấp cho một người là ông Lê Văn Thiên, còn ông Lê Văn Tuấn thì không được cấp với lý do con liệt sĩ trong một gia đình chỉ 1 người được hưởng chế độ. Ông Hùng hỏi, thị trấn giải quyết như vậy có đúng không?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau: Theo quy định tại Khoản 6, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014 thì thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ được ngân sách Nhà nước đóng BHYT; Điều 7 Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT, thì trường hợp 2 em của ông Hùng (theo nội dung hỏi) là con liệt sĩ thì được ngân sách Nhà nước đóng BHYT. Đề nghị ông liên hệ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn giải quyết.
C.H
Nguồn: dantri.com.vn