Người dân xếp hàng chờ nhận thuốc và làm thủ tục F0 tại một trạm y tế lưu động trên đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những ngày gần đây, sau khi cơ quan chức năng kêu gọi người dân mắc COVID-19 chủ động khai báo để được chăm sóc y tế và đặc biệt để được xác nhận thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ, hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng quá tải ở các trạm y tế do người đến khai báo, xin xác nhận quá đông.
Chen chúc chờ khai báo, xác nhận F0
Tại TP.HCM, mấy ngày qua khi số ca nhiễm có chiều hướng gia tăng thì lượng người dân đến các trạm y tế để làm xét nghiệm khai báo F0, nhận thuốc điều trị tại nhà, xin cấp chứng nhận đã hoàn thành cách ly… cũng tăng theo. Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại các trạm y tế phường Trường Thọ, phường Tăng Nhơn Phú A, phường Linh Chiểu (TP Thủ Đức), phường 22 (quận Bình Thạnh)… nhiều trẻ em, người già cũng phải xếp hàng, có người phải đợi vài tiếng mới được giải quyết xong các thủ tục.
Bác sĩ Lâm Phước Trí – trạm trưởng trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú – cho biết tình trạng người dân đến trạm y tế đông bắt đầu từ 2 tuần nay. Có ngày trạm y tế tiếp nhận đến 300 ca F0 mới. “Việc đông đúc xảy ra do F0 khai báo bệnh, F0 xin giấy hoàn thành cách ly và cả người dân đến xin cấp thuốc. Cán bộ trạm kham không xuể khi nhiều quy trình đều dồn về tuyến y tế cơ sở”, bác sĩ Trí cho hay.
Anh Thạch Sách – nhân viên phòng chống dịch tại trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh – cho biết nguyên nhân gây quá tải một phần do lượng cán bộ, nhân viên y tế bị lây nhiễm, phải tạm dừng công việc. “Lúc trước UBND phường chuyển giấy hoàn thành cách ly về tận nhà cho các F0. Thời gian qua ở UBND phường cũng có cán bộ dương tính nên việc này được đưa về trạm. Tuy nhiên thời điểm này ở trạm có 3 cán bộ dương tính nên thiếu người”, anh Sách nói.
Bệnh nhân F0 làm thủ tục xác nhận khỏi bệnh tại trạm y tế phường 9, quận 3, TP.HCM chiều 9-3 – Ảnh: TỰ TRUNG
Thủ tục rườm rà
Ngoài việc nhân viên y tế bị lây nhiễm dẫn tới thiếu nhân lực cục bộ, việc một số cơ quan bắt buộc F0 nộp giấy hoàn thành cách ly để được đi làm, học sinh sau khi khỏi bệnh phải nộp giấy chứng nhận về trường… cũng góp phần gây nên tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế. Tại TP.HCM, ngoài các trường hợp được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, người dân tự xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính nếu muốn được công nhận là F0 thì phải được cơ sở y tế (bệnh viện, trạm y tế, trạm y tế lưu động…) làm xét nghiệm nhanh để xác nhận.
Tương tự, tại Hà Nội mấy ngày trước người dân cũng được yêu cầu phải đến cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh mới được xác nhận là F0 để cấp giấy tờ nhằm hưởng chính sách BHXH khiến nhiều đơn vị y tế cơ sở bị quá tải. Sau đó các cơ quan chức năng địa phương phải linh động giảm bớt thủ tục để giảm áp lực cho các trạm y tế.
Ngày 9-3, bà Trần Hồng Hà – giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ – cho biết Hà Nội hiện không bắt buộc người dân phải ra trạm y tế phường làm xét nghiệm nhanh để được xác nhận nữa. “Trong trường hợp người dân tự xét nghiệm tại nhà, chúng tôi yêu cầu quay lại toàn bộ quá trình xét nghiệm và sau đó gửi lại cho y tế qua Zalo để kiểm tra mới được xác nhận. Đây là quy trình chung áp dụng trên toàn Hà Nội”, bà Hà thông tin.
Theo bà Hà, sau khi tiếp nhận thông tin của F0, quận sẽ liên tiếp ra 3 quyết định gồm việc xác nhận F0, quyết định cách ly và quyết định khỏi bệnh. Sau khi F0 có kết quả xét nghiệm âm tính, quận sẽ chuyển các quyết định trên cho tổ COVID cộng đồng, Đoàn thanh niên để đưa về tận nhà cho người dân.
Số hóa được không?
Nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc làm thủ tục xác nhận F0, nhiều địa phương tại Hà Nội không yêu cầu người dân phải gửi trực tiếp “bằng chứng” là kết quả xét nghiệm RT-PCR, xét nghiệm nhanh dương tính cho cơ quan y tế mà có thể chuyển clip quá trình xét nghiệm nhanh qua Zalo cho tổ y tế cộng đồng, trạm y tế để được xác nhận.
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Trường An – trưởng trạm y tế phường Tân Quy (quận 7, TP.HCM), những thủ tục hiện nay đang rườm rà, tốn rất nhiều thời gian cho người bệnh, đồng thời dẫn đến việc quá tải ở các trạm y tế. Do đó, cần áp dụng công nghệ thông tin để tích hợp liên thông các dữ liệu với nhau. “Mỗi địa phương nên có ứng dụng riêng để F0 có thể khai báo bệnh kết hợp với việc cấp giấy hoàn thành cách ly, giấy chứng nhận hưởng BHXH trực tuyến qua app, giống như chứng nhận thẻ xanh COVID hiện nay. Chỉ cải cách một bước thì những bước khác vẫn hỏng, nên xem xét tối ưu cả quy trình”, bác sĩ An đề xuất.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam – cho rằng việc người dân đến trạm y tế để làm xét nghiệm nhanh, công nhận F0, xin giấy hoàn thành cách ly, cấp phát thuốc… là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, cách tổ chức, quản lý ra sao là do địa phương quyết định. “Nếu chúng ta số hóa các giấy tờ để người dân không phải vất vả đi lại nhiều là điều rất tốt. Để được như vậy, cần phải thống nhất giữa các cơ quan với nhau như BHXH, y tế, chính quyền địa phương thì mới có giá trị”, bác sĩ Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết hiện tại nhiều người dân đến xét nghiệm để được công nhận F0, xin giấy hoàn thành cách ly cùng lúc dẫn đến bị quá tải ở các trạm y tế. Để hỗ trợ nhân lực, TP đã tăng thêm 150 trạm y tế lưu động, 295 bác sĩ trẻ mới ra trường xuống thực hành tại các trạm.
“Sở Y tế cũng vừa đề xuất với UBND TP mở rộng phần mềm quản lý F0 thêm tính năng cho F0 tự khai báo tại nhà. Trên cơ sở khai báo đó, thông tin sẽ được chuyển đến trạm y tế để được xác nhận F0. Khi nhận được thông tin khai báo, trạm y tế sẽ mời người khai báo đến để xét nghiệm lại hoặc đến tận nhà xét nghiệm xác nhận cho người dân. Sau khi khẳng định F0, bệnh nhân sẽ được phát các gói thuốc, 5 ngày sau tiến hành xét nghiệm lại. Nếu âm tính, thông tin sẽ được cập nhật vào phần mềm, giấy chứng nhận sẽ được in ra đưa về trạm y tế hoặc UBND phường, xã để ký xác nhận hoặc gửi qua phần mềm để xuất trình với cơ quan cần thiết”, bà Mai cho hay.
Đồ họa: TUẤN ANH
Toát mồ hôi với giấy xác nhận
Chị Hường – phụ huynh ở TP Thủ Đức, TP.HCM – cho biết con chị nhiễm COVID-19 nên phải nghỉ học, cách ly 7 ngày ở nhà. Chủ nhật tuần vừa rồi là đủ 7 ngày, chị điện thoại báo y tế phường và xin xét nghiệm lại nhưng cán bộ trạm bị F0 gần hết. Chị đề nghị tự xét nghiệm tại nhà và chụp kết quả âm tính gửi cho cán bộ y tế phường để được cấp giấy xác nhận âm tính cho bé có thể đi học lại.
“Tuy nhiên cô cán bộ bảo rằng công việc của cô đang quá tải, không thể làm giấy xác nhận ngay được mà hẹn đến ngày 8-3. Như vậy con tôi phải nghỉ học thêm 2 ngày nữa chỉ để chờ cái giấy xác nhận âm tính” – chị Hường nói.
Tương tự, chị Thủy, phụ huynh có 2 con F0 ở quận Phú Nhuận, đặt câu hỏi: “UBND TP.HCM đã cho những học sinh là F1 tự xét nghiệm tại nhà rồi gửi kết quả cho cô giáo để đi học thì tại sao không cho học sinh là F0 làm như vậy? Yêu cầu học sinh phải có giấy xác nhận âm tính mới được đến trường không chỉ gây phiền hà cho phụ huynh mà còn tước đi thời gian vàng học trực tiếp của học sinh. Như con tôi có kết quả test âm tính nhưng vẫn chưa được đến trường vì chưa xin được giấy xác nhận”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số trường tiểu học, trung học ở TP.HCM cho rằng giấy xác nhận là không cần thiết. “Giấy xác nhận âm tính là do quy định của Bộ Y tế nên nhà trường phải làm theo chứ thực ra chỉ dùng để bổ sung vào hồ sơ khi có… thanh tra mà thôi. Tôi nghĩ nên bỏ quy định phải có giấy xác nhận âm tính, nên để phụ huynh tự chịu trách nhiệm, tự thông báo về tình hình sức khỏe của con mình với giáo viên chủ nhiệm thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Trẻ đã khỏi bệnh thì cần được đến trường ngay chứ còn chờ giấy xác nhận nữa thì quá nhiêu khê” – hiệu trưởng một trường trung học ở quận 1 đề nghị.
HOÀNG HƯƠNG
TP.HCM sắp triển khai cấp chứng nhận hoàn thành cách ly điện tử
Chiều 9-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Võ Thị Trung Trinh – phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM – cho biết TP đang mở rộng hệ thống quản lý người cách ly, người bệnh và áp dụng chữ ký số để cấp các quyết định cách ly và giấy chứng nhận hoàn thành cách ly điện tử. Khi đó người dân sẽ nhận được các bản điện tử có chữ ký số, không cần đến trụ sở của phường, xã, thị trấn để nhận bản chứng nhận giấy.
“Chúng tôi đang cố gắng để sang tuần thí điểm trước ở một phường rồi nhân rộng cho cả TP. Việc này cũng đã được UBND TP chỉ đạo làm khẩn”, bà Trinh thông tin.
Cuối tuần qua, Sở Thông tin và truyền thông và Sở Y tế đã có cuộc họp thống nhất với nhau về việc bổ sung các chức năng phần mềm để quản lý F0 được thuận lợi hơn.
ĐỨC THIỆN
Đề xuất dùng chung dữ liệu F0
Y tế cơ sở của nhiều địa phương đang gặp quá tải chủ yếu là giải quyết giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 – Ảnh: TR.TRUNG
Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng đề nghị cơ quan BHXH sử dụng dữ liệu chung về F0 để giải quyết quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm bị mắc COVID-19.
Là địa phương có chỉ số ứng dụng CNTT ở mức cao, ngay từ khi có dịch TP Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp chống dịch qua ứng dụng Danang Smart City. Vừa qua ứng dụng này tiếp tục được tối ưu hóa và bổ sung đầy đủ chức năng cho F0 tại nhà khai báo và tự động tổng hợp dữ liệu để cho phép cán bộ y tế, cán bộ phường, xã in nhanh chóng các văn bản theo quy định để cung cấp cho các F0. Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng đã đề nghị BHXH TP Đà Nẵng xem xét kế thừa dữ liệu F0 trên ứng dụng của TP để cấp giấy chứng nhận hưởng BHXH và thủ tục cấp BHXH cho F0 được thuận lợi, giảm đi lại, tập trung của người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu – trưởng phòng chế độ, BHXH Đà Nẵng – cho biết cũng như những loại bệnh khác, người lao động bị nhiễm COVID-19 có tham gia BHXH được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH. Theo quy định hiện hành, trường hợp người lao động bị COVID-19 bị ốm hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị COVID-19 đều được hưởng chế độ ốm đau. Luật BHXH quy định hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cần phải có giấy ra viện với người điều trị nội trú. Đối với trường hợp điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Người mắc COVID-19 điều trị tại nhà muốn hưởng chế độ BHXH phải có giấy chứng nhận do cơ sở y tế cấp theo quy định của Luật BHXH.
“Giấy chứng nhận hưởng BHXH là thủ tục bắt buộc phải có để thực hiện chi trả, vì nếu bỏ qua thủ tục này sẽ bị kiểm toán “tuýt còi” ngay. Trong luật thì giấy chứng nhận do cơ sở y tế trực tiếp điều trị cấp chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Đơn vị BHXH là cơ quan thực hiện chính sách, giải quyết chế độ chứ không có thẩm quyền đứng ra xác nhận giấy chứng nhận hưởng BHXH nên dữ liệu F0 chưa phải là cơ sở để giải quyết chính sách BHXH” – bà Thu khẳng định.
BHXH TP Đà Nẵng cho biết thời gian giải quyết chế độ của người lao động lên tới 45 ngày. Ngoài ra trong trường hợp nộp hồ sơ chậm, đơn vị sử dụng lao động vẫn có thể giải trình để được giải quyết chế độ cho người lao động. Do vậy, BHXH khuyến cáo các giải pháp như tăng cường nhân lực hoặc hẹn giờ cấp giấy chứng nhận để hạn chế việc quá tải như thời gian vừa qua.
Cũng theo bà Thu, vừa qua tại một số địa phương có tình trạng nhiều người lao động mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin giấy chứng nhận nên Bộ Y tế đã có tờ trình Thủ tướng để giải quyết những vướng mắc trên. Trong đó, đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ (quyết định cách ly, giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, giấy xét nghiệm…) có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để BHXH căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc COVID-19. Ngoài ra, một phương án nữa được Bộ Y tế đề xuất là Chính phủ giao thẩm quyền cho bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
TRƯỜNG TRUNG
Nguồn: tuoitre.vn