Ngày 6.4, hội thảo cơ chế tài chính nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sóc sức khỏe đã được Hội Kinh tế y tế tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế, cho biết theo điều tra gần đây nhất (năm 2017), dù đã được quỹ BHYT chi trả nhưng chi phí trực tiếp từ tiền túi của người dân cho sử dụng dịch vụ y tế vẫn chiếm tỷ lệ 43%, hiện chưa thay đổi nhiều. Tỷ lệ này cao gấp 2 – 2,5 lần so với các nước phát triển (từ 14 – 20%) và cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (nên ở mức 20%). Tỷ lệ tự chi trả cao không đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
Theo ông Khảm, mục tiêu của Việt Nam là giảm tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Một trong các giải pháp để đạt được tiêu chí này, Bộ Y tế và bộ, ngành liên quan sẽ đề xuất sửa đổi luật BHYT theo hướng thêm các gói bảo hiểm và mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT như: sàng lọc sớm một số bệnh không lây nhiễm, ung thư; tiêm chủng…
Trong 3 năm gần đây, số tiền chi từ quỹ BHYT đã tăng hơn mức thu. Do đó, theo lộ trình, việc điều chỉnh mức đóng phí BHYT cũng sẽ được tính đến. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tăng vẫn chưa đề xuất trong năm nay.
Nguồn: thanhnien.vn