Cụ thể gồm người làm việc từ một tháng trở lên bằng hình thức hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác (biên bản, giao kèo) mà nội dung thể hiện một bên được trả công, bên còn lại quản lý và giám sát.
Bổ sung thêm chủ hộ kinh doanh và nhiều nhóm
Lao động làm việc không trọn thời gian có mức lương tháng bằng hoặc cao hơn 2 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương.
Theo đó, lao động làm việc không trọn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 8% và chủ sử dụng đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất trên nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Tiền lương đóng BHXH với chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã sẽ do người đó tự chọn, dao động từ 2 – 36 triệu đồng và sau một năm đóng được chọn lại.
Ông Nguyễn Duy Cường, phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho rằng việc bổ sung các đối tượng này sẽ bảo đảm phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời bảo đảm gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của BHXH.
Đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ rõ Luật BHXH năm 2014 chỉ quy định chung về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đóng BHXH mà chưa quy định đối tượng thụ hưởng các chế độ BHXH, cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, cơ quan tổ chức thực hiện BHXH.
Điều này gây ra một số khó khăn trong việc áp dụng các quy định của luật cũng như việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định của luật.
Cạnh đó, qua tổng kết thi hành luật cho thấy pháp luật BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia BHXH bắt buộc.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung các nhóm đối tượng trên. Đại diện bộ cho rằng các nhóm đề xuất bổ sung đều có khả năng và nhu cầu tham gia BHXH, song luật hiện hành chưa bắt buộc.
Cùng với đó, quy định “ký hợp đồng” hiện nay khiến nhiều lao động chưa được đóng BHXH bởi chủ doanh nghiệp thuê mướn, ký kết theo dạng giao kèo hoặc tự thỏa thuận.
Nhận được nhiều lợi ích
Cơ quan soạn thảo lý giải nếu áp dụng với các đối tượng trên sẽ phát sinh kinh phí đóng BHXH 25% (22% đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản).
Tuy nhiên, bù lại người lao động và người sử dụng lao động đều nhận được lợi ích từ việc tham gia đóng góp vào quỹ BHXH.
Nếu các nhóm này tham gia BHXH bắt buộc sẽ tăng độ bao phủ và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội cho người già không có lương hưu sau này. Nguồn thu vào quỹ BHXH từ đó tăng, song tiền chi cho các chế độ ngắn hạn (thai sản, ốm đau), trung hạn (bảo hiểm thất nghiệp) và dài hạn (hưu trí) cũng sẽ tăng lên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng việc dự án Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung một số nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc là cần thiết.
Ông dẫn lại thông tin báo chí vừa qua phản ánh việc nhiều chủ hộ kinh doanh ở các địa phương bị thu sai BHXH bắt buộc. Nguyên nhân là do trong Luật BHXH năm 2014 không quy định bắt buộc với nhóm này, do đó, việc thu bắt buộc là sai.
Theo ông Lợi, việc dự án Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung nhóm chủ hộ kinh doanh và một số nhóm lao động khác là đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung của các chính sách an sinh xã hội.
Đồng thời đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH bắt buộc toàn dân.
Vị chuyên gia này chỉ rõ, các nhóm lao động này khi được đưa vào diện đóng BHXH bắt buộc sẽ có nhiều quyền lợi, trong đó, như lương hưu hay bảo hiểm y tế, chế độ tử tuất…
Ông Lợi cũng đề xuất về lâu dài các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng phải từng bước chuyển sang BHXH bắt buộc thì mới đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập. Tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH bắt buộc toàn dân.
Nguồn: tuoitre.vn