Tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội của Phòng Thương mại và công nghiệp VN và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ở Hà Nội sáng 3-7, theo đại diện của Tổng liên đoàn Lao động VN, trong sáu tháng đầu năm 2015, hơn 30 cuộc đình công, lãn công của người lao động đều xuất phát từ nguyên nhân tiền lương thấp và yêu cầu được tăng lương.
Tuy các doanh nghiệp cho rằng mức lương bình quân của người lao động đã cao hơn lương tối thiểu và việc tăng lương tối thiểu sắp tới không có tác động đến thu nhập của người lao động, nhưng đại diện của Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết trên thực tế, mức lương bình quân của người lao động tại rất nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất… chỉ cao hơn mức lương tối thiểu không đáng kể.
Với thu nhập như vậy, không chỉ đời sống hiện nay của người lao động gặp khó khăn mà khi lấy mức lương này làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sau này cũng sẽ nhận được mức lương hưu rất thấp, thấp hơn cả lương tối thiểu, không đủ đảm bảo cuộc sống cho người lao động hưu trí.
Ông Lê Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Song song với việc tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ LĐ-TB&XH và Hội đồng Tiền lương quốc gia đang nghiên cứu để sớm ban hành chuẩn về mức sống tối thiểu cho từng khu vực. Chuẩn mức sống tối thiểu sẽ là căn cứ để xây dựng mức lương tối thiểu vùng, đáp ứng được yêu cầu lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động”.
Nguồn: tuoitre.vn