Lý giải về việc người lao động (NLĐ) ồ ạt rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong thời gian qua, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng: “Do một bộ phận NLĐ không có việc làm, thu nhập không ổn định; chính sách BHXH chưa đủ hấp dẫn; thủ tục rút BHXH một lần ngày càng dễ dàng; việc giải thích, tuyên truyền chưa tốt, chưa làm cho NLĐ thấy tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội. Có người rút do khó khăn thực sự nhưng cũng có người rút theo phong trào vì họ thấy không yên tâm, liệu để tiền 20 – 25 năm nữa có bảo toàn được không, đến khi không đủ sức lao động có rút được hết hay không?”.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, thực trạng NLĐ rút BHXH một lần không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình căng thẳng hơn do nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, giảm đơn hàng. “Cần tăng cường tuyên truyền, giải thích cho NLĐ hiểu, tiền của NLĐ vẫn là của NLĐ không mất đi, việc giữ lại BHXH là để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ”, ông Lợi nói.
Một trong những giải pháp quan trọng mà, theo ông Huân, các cơ quan BHXH và ngành LĐ-TB-XH có thể làm ngay là tuyên truyền, giải thích cho NLĐ cặn kẽ lợi ích cũng như thiệt thòi khi rút BHXH một lần. Ông cho biết: “Chúng ta phải công khai, minh bạch cho NLĐ thấy việc giữ BHXH như thế nào, đầu tư bảo toàn ra sao, rút thế nào… Ngoài ra, cơ quan chuyên môn phải giải đáp tất cả câu hỏi mà NLĐ đặt ra, có như vậy thì NLĐ mới yên tâm không rút BHXH một lần”.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Sỹ Lợi, các bên cần cùng vào cuộc đưa ra các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho NLĐ trong lúc này. Về phía doanh nghiệp, chuyển sang làm luân phiên, giảm giờ làm để đảm bảo NLĐ vẫn có thu nhập. Đối với chính quyền địa phương, tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ về nhà ở, tiền thuê trọ, tiền điện nước, trường học cho con em công nhân… để NLĐ bớt gánh nặng, yên tâm làm việc.
Để hạn chế tình trạng NLĐ rút BHXH một lần, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tới đây sửa đổi luật BHXH theo hướng, điều kiện hưởng chế độ hưu trí giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Trong hồ sơ đề nghị sửa luật BHXH mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra phương án NLĐ chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay, còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết Bộ LĐ-TB-XH được Chính phủ giao chủ trì sửa luật BHXH. Phương án trên là một trong nhiều phương án do các chuyên gia trong tổ soạn thảo đề xuất. Ngoài phương án trên, các thành viên tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu và đề xuất một số phương án mới theo hướng ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
Đánh giá việc rút BHXH một lần là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động VN), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung luật BHXH nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện. Việc tăng quyền lợi cho NLĐ cũng là cách giữ họ ở lại với hệ thống BHXH.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng trong bối cảnh bao phủ BHXH chậm còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này.
Nguồn: thanhnien.vn