Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đã đề xuất nghiêm cấm mua bán sổ bảo hiểm xã hội – Ảnh: DUYÊN PHAN
Báo cáo của Chính phủ cho biết hiện đã giao Bộ Lao động, thương binh và xã hội phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Để ngăn chặn và xử lý hành vi thu mua sổ bảo hiểm xã hội, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn đề xuất bổ sung điều khoản nghiêm cấm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.
Ngoài ra còn đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu như:
Giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn, tạo động lực cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu thu hút và tạo động lực để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Liên quan tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội, Chính phủ dẫn quy định tại khoản 6 điều 18 Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động có quyền “ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội”.
Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.
Tuy nhiên, xuất phát từ việc nhận thức của người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động để thực hiện việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệnh.
Trước thực trạng nêu trên, báo cáo của Chính phủ dẫn lại ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, trong đó, giao các bộ, cơ quan Công an, Lao động, thương binh và xã hội, Thông tin và truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ bảo hiểm xã hội, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi”.
Sau khi có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tình trạng thu mua sổ bảo hiểm xã hội đã từng bước được khắc phục.
Trước đó, tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội diễn ra tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Theo đó, lao động rao bán sổ bảo hiểm xã hội dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Người bán thường là công nhân trẻ ở 20 – 30 tuổi đi làm vài năm, đóng bảo hiểm xã hội và gặp khó khăn do dịch.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau đó yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương lập danh sách cá nhân nhận ủy quyền nhiều lần gửi cơ quan công an. Việc này phần nào hạn chế song chưa thể xử lý triệt để vì chưa có quy định cấm.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm sẽ đề xuất quy định cụ thể trường hợp nào được phép ủy quyền hưởng, không đại trà như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm trường hợp mua bán sổ bảo hiểm xã hội.
Nguồn: tuoitre.vn