Đã công bố 4 kết quả thanh tra công ty bảo hiểm liên kết ngân hàng
Thông tin về thanh tra toàn diện về bảo hiểm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 4-7, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết sẽ có kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện theo yêu cầu của nghị quyết Quốc hội.
“Việc Bộ Tài chính triển khai thanh, kiểm tra và giám sát thị trường không phải khi có nghị quyết mới làm mà là chức năng, nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên, từ các thông tin phản ánh của thị trường, phản ánh của thông tấn báo chí” – ông Chi nói.
Theo đó, ngày 4-6 vừa qua bộ đã công bố 4 kết quả thanh tra với các công ty bảo hiểm liên kết ngân hàng. Hiện bộ đang triển khai theo quy trình thanh tra, sau thời gian ngắn tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm của công ty này và công bố với dư luận.
Ông Chi cũng cho biết từ năm 2023 đã có kế hoạch thanh, kiểm tra với 10 công ty bảo hiểm, gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Việc thanh, kiểm tra sẽ tập trung vào nội dung liên kết kinh doanh của công ty bảo hiểm và ngân hàng thương mại.
“Bộ Tài chính có phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo, rà soát các tổ chức tín dụng, bảo hiểm để làm sao có thị trường đảm bảo hoạt động đúng quy định pháp luật, quyền lợi các tổ chức cá nhân và đơn vị kinh doanh bảo hiểm” – ông Chi nói sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra trong năm sau.
Thanh khoản ngân hàng đang thừa chứ không hẳn “ế tiền”
Về điều hành giảm lãi suất và tình trạng “ế vốn”, ông Đào Minh Tú – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết từ đầu năm đã có 4 lần hạ lãi suất. Lãi suất huy động bình quân giảm 0,7 – 0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm 1 – 1,2%, nhiều ngân hàng tuyên bố có gói giảm lãi suất sâu.
Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14 – 15%, song ông Tú cho hay hiện dư nợ tín dụng mới chỉ tăng 4,2%, đạt 12 triệu tỉ đồng.
“Như vậy, với room tín dụng đã giao thì còn nhiều dư địa để ngân hàng cho vay, thanh khoản của ngân hàng thương mại đang thừa chứ không hẳn ‘ế tiền'”, ông Tú nói.
Lý giải về tình trạng này, ông Tú cho rằng cầu tiêu dùng, đầu tư đều đang thấp nên nhu cầu vay không cao. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, không có đơn hàng. Thị trường bất động sản chưa thực sự sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai…
Thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và khả năng tiêu được hết 700.000 tỉ đồng, đảm bảo tăng trưởng năm 2023, ông Trần Quốc Phương – thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho biết dự kiến đến 30-6 giải ngân đạt 216.000 tỉ đồng (30,49% kế hoạch), cao hơn so với cùng kỳ.
“Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 có khối lượng khá lớn, nên đây là nhiệm vụ nặng nề trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi các cấp ngành phải nỗ lực nhiều giải pháp, đáp ứng mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao.
Việc giải ngân gần đây đều đạt trên 90%, nên tạo niềm tin thực hiện mục tiêu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục đôn đốc, nhiều dự án lớn khởi công, giải phóng mặt bằng được tập trung, nên tiến độ đạt khá lớn” – ông Phương nói.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách cũng tập trung tháo gỡ cho giải ngân đầu tư công như giao kế hoạch vốn, cho phép điều hòa linh hoạt nguồn vốn chương trình phục hồi và dự án nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Do vậy, sẽ hoàn toàn tin tưởng việc đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công đến cuối năm.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay bộ đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cuối năm 2023 là 6 – 6,5%.
Tình hình cuối năm tiếp tục khó khăn, nên nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, với mục tiêu 6% thì tăng trưởng cuối năm là nặng nề, tăng trưởng quý 3 đạt 6,8%, quý 4 đạt 9%.
Theo đó, bộ đã dự thảo nghị quyết chuyên đề đặc biệt 6 tháng cuối năm là bảo đảm kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính với nhiều giải pháp để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng.
Giải pháp được đưa ra bao gồm tăng cường dự báo, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, khơi thông vốn, miễn giảm thuế…
Nguồn: tuoitre.vn