Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về góp ý dự thảo sửa đổi luật BHXH chiều qua (13.10), ông Hồ Hải Luận, Trưởng phòng Thanh tra – kiểm tra BHXH TP.HCM cho biết, nếu qua thanh tra, kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm của người sử dụng lao động thì sẽ lập biên bản hành chính, ra quyết định hoặc đề xuất UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính.
Tài khoản doanh nghiệp không có tiền khi bị cưỡng chế
Tuy nhiên khi thực hiện, nhiều doanh nghiệp không chấp hành. Đến khi cưỡng chế thì trong tài khoản của doanh nghiệp không có tiền. Trường hợp này, theo ông Luận, phía Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng gặp rất nhiều.
Ông Hồ Hải Luận cho rằng, giải pháp khắc phục vấn đề này là sử dụng dữ liệu phối hợp do cơ quan thuế cung cấp, bởi doanh nghiệp hoạt động thì phải sử dụng hóa đơn và tài khoản mà doanh nghiệp đăng ký với cơ quan thuế là tài khoản chính.
“Khi đi thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp cung cấp một loạt tài khoản nhưng ít khi nào họ đưa tài khoản chính chuyên giao dịch hoặc sử dụng hóa đơn thuế, nên nếu sử dụng tài khoản từ dữ liệu của cơ quan thuế thì sẽ cưỡng chế được”, ông Luận nói.
Cạnh đó, theo ông Luận, nếu doanh nghiệp không khắc phục thì có thể kiến nghị đề xuất tạm ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp, giống như cơ quan thuế đang làm.
“Cơ quan BHXH thực hiện theo quy định ở Nghị định 12 năm 2022 của Chính phủ, cưỡng chế ở phần tiền phạt chứ không phải phần khắc phục hậu quả, vì số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp khi thực hiện cưỡng chế theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải thành lập hội đồng, giám định tài sản… cực kỳ khó, gian truân. Tới khi đó thì không biết tài sản doanh nghiệp còn lại bao nhiêu”, ông Luận nêu ý kiến.
Về đề xuất này, một số thảo luận tại buổi làm việc cũng nêu ý kiến việc ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp có thể khiến đơn vị không bán được hàng, toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, tác động lớn đến đời sống của người lao động.
Cần quy định rõ thế nào là trốn đóng BHXH
Theo ông Hồ Hải Luận, trước năm 2014, cơ quan BHXH đã từng khởi kiện rất nhiều trường hợp chiếm dụng tiền đóng BHXH, như trường hợp khởi kiện đầu tiên vào năm 2008 ở Q.Phú Nhuận. Tuy nhiên, khi luật sửa tới nay đã giao quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn nhưng đến nay lại bị vướng bởi nhiều thủ tục.
BHXH TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM phối hợp chặt chẽ nhưng đến nay chưa có vụ án hình sự nào về nợ BHXH được đưa ra xét xử vì trong luật và ngay cả Nghị định 12 năm 2022 của Chính phủ đều chưa quy định chi tiết tội danh trốn đóng BHXH.
Theo dự thảo sửa đổi luật BHXH mới đây cũng chỉ mới quy định thế nào là chậm đóng, chứ chưa quy định được tội danh trốn đóng. Trong khi đó tội danh trốn đóng BHXH của bộ luật Hình sự được Nghị quyết 05 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định rất rõ.
Đề nghị bổ sung khoản giải thích từ ngữ về trốn đóng, chậm đóng BHXH
BHXH TP.HCM đề nghị bổ sung một khoản để giải thích từ ngữ chiếm dụng tiền hưởng BHXH; trốn đóng bảo hiểm; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; không đóng tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; không đóng đầy đủ để phù hợp với điều 216 của bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) và Nghị quyết 05 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Ngoài ra, BHXH TP.HCM cũng đề nghị sửa lại hành vi bị nghiêm cấm từ “Chiếm dụng tiền hưởng BHXH” thành “Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH”. Lý do, nhiều doanh nghiệp hiện nay trích trừ tiền đóng BHXH của người lao động hằng tháng khi trả lương nhưng không nộp cho cơ quan BHXH.
Nguồn: thanhnien.vn