Thêm đường dây nóng, nâng cao chất lượng phục vụ
Thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, từ ngày 1/12, hiệp hội triển khai đường dây nóng 1900.633.880. Đây là kênh tiếp nhận và giải đáp các thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, cũng là kênh tiếp nhận thông tin tổn thất và phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên để hướng dẫn và giải đáp kịp thời cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên liên quan về hồ sơ và thủ tục yêu cầu bồi thường.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, đường dây nóng 1900.633.880 góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm. “Đường dây nóng trên cùng với tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đối với cộng đồng”, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm cho hay.
Đại diện mảng bảo hiểm xe cơ giới, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI), cho biết thời gian qua các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ nỗ lực thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tiết giảm các chi phí mà còn không ngừng đầu tư công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ bảo hiểm, trong đó có khâu thủ tục giải quyết quyền lợi bồi thường.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy nhanh công tác số hóa, 100% doanh nghiệp phải lập số đường dây nóng 24/7; nhanh chóng bố trí giám định thiệt hại và xác định nguyên nhân để bồi thường một cách nhanh nhất cho người dân.
Không chỉ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp, Cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu việc thiết lập đường dây nóng của các doanh nghiệp.
Đơn giản hóa thủ tục, nâng cao tỷ lệ bồi thường
Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Lạng Sơn và Lâm Đồng mới đây, Bộ Tài chính cũng cho biết Nghị định 67 của Chính phủ (quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng) đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Theo đó, về quy trình, Nghị định 67 đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập đường dây nóng 24/7 để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp cho chủ xe; ghi âm cuộc gọi đến đường dây nóng để đảm bảo quyền lợi của chủ xe.
Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ doanh nghiệp phải hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường trong vòng 24 giờ tổ chức giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Tiếp đó, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của chủ xe về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng kể cả trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại.
Về thủ tục bồi thường, Nghị định 67 cũng đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm. Trong đó, mức bồi thường về người đã được cụ thể hóa, đơn giản, dễ áp dụng thống nhất; quy định cụ thể về hồ sơ bồi thường đối với doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bồi thường của bảo hiểm xe cơ giới đã tăng và đạt tỷ lệ cao nhất.
Cụ thể, năm 2023, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 17.754 tỷ đồng, bồi thường đạt 9.315 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường đạt 52,5%). Trong đó, doanh thu bảo hiểm bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng, bồi thường 948 tỷ đồng (đạt tỷ lệ bồi thường 21,8%); doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỷ đồng, bồi thường đạt 8.366 tỷ đồng (đạt tỷ lệ bồi thường 62,4%).
Năm 2023, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 23.906 tỷ đồng, đạt tỷ lệ bồi thường 33,6%. Riêng bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường cao nhất với 52,5%, tiếp đó là bảo hiểm tàu với 35,7%, bảo hiểm sức khỏe 34,6%.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm nay , doanh thu phí bảo hiểm tai nạn dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt gần 431,8 tỷ đồng, chi bồi thường 41,9 tỷ đồng, dự phòng bồi thường gần 35,9 tỷ đồng. Các khoản chi này chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng… cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết thêm trong thời gian qua nhiều trường hợp chủ xe gây tai nạn không mua bảo hiểm xe máy bắt buộc nhưng nạn nhân vẫn nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam). Điều này thể hiện sự cần thiết và ý nghĩa nhân văn của loại hình bảo hiểm xe cơ giới.
Nguồn: dantri.com.vn