Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu này dự đoán ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tăng trưởng nhờ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra, khung pháp lý được cải thiện và nhân khẩu học thuận lợi.
Theo báo cáo “Triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam” của AM Best, phân khúc này sẽ tiếp tục được mở rộng, mặc dù chỉ với tốc độ khiêm tốn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức. Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân (P&C) có khả năng vẫn là động lực tăng trưởng chính trong phân khúc này, do đại dịch Covid-19 đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về các rủi ro sức khỏe. Ngược lại, nhóm các ngành và doanh nghiệp trong nước sẽ thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí bảo hiểm y tế.
Bất chấp thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước đó, Việt Nam đang chịu nhiều thiệt hại do đợt bùng phát tồi tệ nhất vào nửa cuối năm 2021. Theo đó, Tổng cục Thống kê ước tính GDP quý 3 năm 2021 giảm 6,2%, đây là giai đoạn tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 2000. Do sự gián đoạn gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam còn 3,8%.
Các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển đã được nới lỏng từ tháng 10/2021, các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại. Do đó, AM Best kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ được phục hồi trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, bất chấp đại dịch, nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định do dân số trẻ và là nền kinh tế đang phát triển. Hơn nữa, lượng người Việt Nam đóng bảo hiểm vẫn chưa nhiều, thể hiện qua tỷ lệ tham gia bảo hiểm phi nhân thọ dưới 1%. Điều này cho thấy cơ hội dồi dào để ngành bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng.
Thanh Thư (theo Asia Insurance Review)
Nguồn: vnexpress.net