Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), tại khoa thường có hàng chục bệnh nhân “thập tử nhất sinh”, chi phí điều trị trung bình lên đến 20 – 50 triệu đồng/người.
tin liên quan
Giá dịch vụ y tế sẽ tăng 30 – 50%
Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1.3.2016 sẽ thực hiện thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc.
“Khoa còn khoảng 25% số bệnh nhân không có bảo hiểm y tế (BHYT), họ là người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo. Nếu không có BHYT, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần một người ốm nặng, có những trường hợp phải bán cả nhà mà không đủ chi phí điều trị”, GS Bình nói.
|
“Hồi còn khỏe không nghĩ đến BHYT”
Trong khi đó, ngay cả khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tăng lên, thì không ít người dân vì thiếu BHYT nên rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn nếu lâm bệnh nặng.
Sau gần một tháng điều trị ngộ độc nấm tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội), hai vợ chồng ông bà H.T.C và C.V.M (ở Chi Lăng, Lạng Sơn) vừa ra viện.
Tổng chi phí điều trị của hai người gần 400 triệu đồng nhưng cả 2 ông bà đều không có BHYT. BV phải kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
“Giá như gia đình tôi tham gia BHYT thì đâu đến nỗi. Vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của BV và những tấm lòng gần xa đã ủng hộ. Giờ tôi mới thấy sự cần thiết của BHYT”, con gái 2 bệnh nhân bày tỏ.
Bác sĩ Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội (BV Bạch Mai, Hà Nội), cho biết mới đây cũng kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho các bệnh nhân không có BHYT. Đó là bệnh nhân H.T.Đ (23 tuổi, quê Thanh Hóa) đang mang thai 29 tuần vào viện do suy hô hấp, viêm phổi do cúm A. Việc áp dụng các kỹ thuật cao, lọc máu sử dụng kháng sinh mạnh… tiêu tốn mỗi ngày đến 50 triệu đồng. Đây là khoản chi quá lớn với gia đình thuần nông, 2 vợ chồng làm nghề tự do như chị Đ.”, bác sĩ Bích Mận chia sẻ.
|
Đang điều trị ung thư cổ tử cung tại Khoa Xạ 2 BV Ung bướu TP.HCM, bà Lê Thị Thu Thảo (43 tuổi, quê Bình Dương) lo lắng vì tiền đã cạn. Từ khi nhập viện (tháng 12.2016) đến giữa tháng 4, bà đã chi hơn 32 triệu đồng (trong đó 22 triệu đồng vừa tạm ứng để xạ trị). Bà không mua BHYT. Bà Thảo lo lắng vì chi phí điều trị về lâu dài không biết sẽ xoay xở thế nào. “Hồi còn khỏe không nghĩ đến BHYT, đùng một cái bị bệnh nhanh quá”, bà Thảo nói.
Tháng 2.2017, bà Trần Thị Phượng (43 tuổi, quê An Giang) vào BV Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị do bệnh tim nặng. Tiền bà dành dụm và con cái gom hết được 141 triệu đồng nhưng vẫn không đủ trả tiền viện phí, do bà không có BHYT. Bệnh nhân cầu cứu Phòng Công tác xã hội BV. Sau khi xem xét, phòng này đã hỗ trợ 35 triệu đồng để bà Phượng trả viện phí. Bà Nguyễn Thị Hương mắc bệnh tim mạch nặng vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, phải mổ cấp cứu. Do nghề nghiệp không ổn định, gia cảnh khó khăn nên bà vét sạch cũng chỉ có 41 triệu đồng, trong khi viện phí cho đợt can thiệp này để cứu tính mạng bà lên đến 63 triệu đồng. Bà không có BHYT. Phòng Công tác xã hội BV cũng đã hỗ trợ cho bà 21 triệu đồng để bà an tâm điều trị. Bà Hương “hứa” xuất viện, về nhà bà sẽ mua BHYT thủ thân.
tin liên quan
Khám bảo hiểm y tế có thể không cần đến thẻ
Người bệnh đi khám, chữa bệnh trong trường hợp không xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, có thể chỉ cần cung cấp mã số định danh và các giấy tờ tùy thân khác.
Giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị
Ở BV Ung bướu TP.HCM, trường hợp như bà Thảo là không hiếm. Theo thống kê của BV, trước đây số người có BHYT đến BV điều trị nội trú là 65%, hiện giảm còn 51 – 52%. Còn ngoại trú thì số bệnh nhân sử dụng BHYT chỉ 32%.
|
“Ở khu khám bệnh ngoại trú, bệnh nhân đi trái tuyến không được hưởng BHYT nên con số 68% không BHYT là dễ hiểu. Theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, qua phân tích của BV cho thấy 80% viện phí thu từ 51 – 52% bệnh nhân có BHYT; 20% viện phí còn lại là từ số người không có BHYT. Điều này cho thấy bệnh nhân có BHYT điều trị đầy đủ hơn, còn người không có BHYT tỷ lệ bỏ điều trị cao hơn. Vì bệnh ung thư có người điều trị 200 – 300 triệu đồng là bình thường.
Để giải quyết cho người không có thẻ BHYT khó khăn trong điều trị, BV Ung bướu TP.HCM mỗi năm trích khoảng 8 tỉ đồng từ các quỹ xã hội để hỗ trợ cho hàng ngàn lượt bệnh nhân vô thuốc, đồng thời còn hỗ trợ tiền tàu xe, cơm cháo… Bà Trần Thị Phượng (43 tuổi, An Giang) lúc nằm viện được Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy “làm tư tưởng” để bà mua BHYT. Trước khi xuất viện bà đã photocopy thẻ BHYT gửi BV để chứng minh là mình đã hiểu và mua BHYT. Theo ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, cho biết: “Nếu bệnh nhân Phượng mua BHYT trước đó thì được BHYT chi trả lên đến cả trăm triệu đồng”.
|
“Ở Khoa Bỏng – Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy, bệnh nhân thường có hoàn cảnh rất khó khăn, do vậy, BV đưa ra chương trình vận động là phải làm sao 100% số bệnh nhân không BHYT đến BV phải mua BHYT, nói cho bệnh nhân biết tính ưu việt của BHYT. Với người không có điều kiện thì BV kêu gọi nhà hảo tâm mua giúp, có gia đình được nhà hảo tâm mua BHYT cho cả 5 người. Có bệnh nhân được tư vấn vẫn không mua, BV dọa “không mua sẽ không hỗ trợ viện phí” thì họ mới mua”, ông Hiển cho biết.
Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K (Hà Nội), BHYT đã giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội điều trị bởi chi phí điều trị ung thư rất lớn. Nhiều trường hợp phải bán tài sản, bán nhà để chữa bệnh nếu không có BHYT. Vừa qua đợt điều trị ung thư đại tràng tại BV K (Hà Nội), ông N.Q.M (43 tuổi, ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay vợ chồng ông mua BHYT được gần một năm thì phát hiện bệnh. “Đợt điều trị tốn hơn 40 triệu đồng, may mà có BHYT, nếu không thì phải vay nợ để chi trả bởi chúng tôi không có tiền”, ông M. nói.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện có hơn 80% dân số cả nước mua BHYT. Do đó BV cần phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội đảm bảo mọi người bệnh được hưởng tối đa quyền lợi, tạo thuận lợi cho bệnh nhân khi đi khám bệnh. Phải nâng cao chất lượng BV không chỉ là chuyên môn mà còn tinh thần thái độ phục vụ; giảm thiểu các thủ tục, giảm thời gian chờ đợi trong khám chữa bệnh BHYT.
GS-TS Nguyễn Gia Bình cho rằng: “Các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn, đặc biệt là tạo thuận tiện về thủ tục mua BHYT để nhiều người dân được biết và tham gia BHYT”. Tương tự, bác sĩ Bích Mận cũng nói: “Chính quyền cần giúp người dân có thêm thông tin, hiểu biết về BHYT. Thực tế, có một số người khỏe mạnh, thanh niên nghĩ mình không bệnh tật gì nên không mua BHYT. Nhưng khi không may mắc bệnh hiểm nghèo sẽ không có tiền điều trị”.
|
tin liên quan
Có thể ngừng cấp thẻ với người trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, thống kê trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) trong 8 tháng qua (từ 7.2016 – 2.2017) cho thấy có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng.
Nguồn: thanhnien.vn