Phối cảnh bảo tàng 11.000 tỉ đồng – Ảnh tư liệu
Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia được khởi động xây dựng từ năm 2014. Tuy nhiên do việc bố trí nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, dự án đã phải nhiều lần giãn tiến độ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2017, dự án bắt đầu tiếp tục được triển khai thực hiện. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư và một số nội dung công việc giai đoạn thực hiện đầu tư, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên hiện dự án đang bị dừng hoàn toàn do không được bố trí vốn.
“Mặc dù Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL nhiều lần có kiến nghị, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, kinh phí chuẩn bị đầu tư các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 vẫn không được bố trí”, văn bản gửi Thủ tướng của Bộ Xây dựng nêu.
Do không được bố trí vốn, các ban quản lý dự án không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động và chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.
Hiện kinh phí để thanh toán cho các nhà thầu theo cam kết hợp đồng cũng phải hoãn lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Mỹ Linh – thứ trưởng Bộ Xây dựng – cho biết hiện dự án dang phải dừng hoàn toàn để chờ cuộc họp của ban chỉ đạo vì cuộc họp này liên quan mật thiết tới việc bố trí nguồn vốn.
Mặc dù vậy, trao đổi với Tuổi trẻ, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho biết hệ thống bảo tàng đã xây dựng của VN khá vắng người xem, thường hoạt động không hiệu quả, chưa mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
“Việc xây dựng bảo tàng không hề sai. Nhưng chúng ta nên xem xét theo mức độ ưu tiên trong đời sống hiện tại của người dân để đầu tư.
Nếu dùng ngân sách nhà nước xây bảo tàng tử tế, khang trang, nhưng tốn nhiều tiền, trong khi đất nước vẫn đi vay nợ nước ngoài thì liệu có nên hay không?
Việc xây bảo tàng đã đến mức cấp thiết như vậy chưa? Theo tôi, đổ hàng nghìn tỉ đồng để xây Bảo tàng lịch sử quốc gia vào thời điểm này chưa thực sự cần thiết” – ông Đức nói.
Theo ông Đức, trong khi chưa xây mới, có thể nâng cấp các bảo tàng hiện có để bảo quản đồ vật, phục vụ du khách được tốt hơn.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày.
Dự án được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha, gồm bốn hạng mục xây dựng: tòa nhà chính, khu tưởng niệm danh nhân, khu trưng bày ngoài trời, hạng mục kỹ thuật phụ trợ – cây xanh – cảnh quan.
Riêng tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20.000m2, một tầng hầm và 6 tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật qua các thời kỳ; trung tâm bảo quản và phục chế; hội trường, các phòng hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập…
Nguồn: tuoitre.vn