Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lương hưu thấp nhất dự kiến bao nhiêu?
Đáng chú ý về quy định mức lương hưu thấp nhất, theo Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở.
Quy định này chỉ áp dụng với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Quy định không áp dụng với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hưởng lương hưu mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo báo cáo, thể chế hóa chủ trương nghị quyết 28, dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa theo hướng giảm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất để phù hợp với khả năng tham gia của một số nhóm đối tượng.
Như người lao động làm việc không trọn thời gian, chủ hộ kinh doanh…
Đồng thời điều chỉnh giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để nhiều người có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng.
Như vậy Chính phủ nêu rõ việc quy định như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu trên là không còn phù hợp.
Theo Chính phủ, tới đây theo chủ trương của nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ không còn mức lương cơ sở.
Cùng với đó, thông lệ các quốc gia xây dựng và triển khai hệ thống hưu trí đa tầng thì tầng thấp nhất của hệ thống đa tầng chính là mức “lương hưu” thấp nhất.
Hiện nay mức lương cơ sở thực hiện từ 1-7-2023 là 1,8 triệu đồng/tháng. Như vậy có thể hiểu mức lương hưu thấp nhất hiện là 1,8 triệu đồng/tháng.
Làm rõ chế tài xử lý chủ doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Liên quan đến chế tài xử lý đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Chính phủ thống nhất với việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định hành vi chậm đóng, trốn đóng.
Cùng với đó là xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn, hoàn thiện quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh của dự luật chỉnh lý.
Bên cạnh đó Chính phủ đề nghị cân nhắc biện pháp không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng quy định tại dự thảo để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Thi đua, khen thưởng mới được Quốc hội thông qua.
Về bảo hiểm hưu trí bổ sung, Chính phủ đề nghị chỉ quy định nguyên tắc trong dự luật và Chính phủ sẽ quy định chi tiết nhưng theo hướng không chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bởi theo Chính phủ, bảo hiểm hưu trí bổ sung mang tính tự nguyện, dưới hình thức tài khoản cá nhân theo nguyên tắc thị trường.
Dự luật quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố và thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm tự nguyện cao nhất bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm bắt buộc cao nhất.
Do đó việc giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện là chưa thực sự hợp lý…
Chính phủ cũng nêu rõ sau khi Quốc hội ban hành luật sửa đổi, Chỉnh phủ sẽ quy định chi tiết về chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung và phân công cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Nguồn: tuoitre.vn