Để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của tài xế công nghệ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đề xuất bổ sung các chế độ, chính sách an sinh xã hội với nhóm đối tượng này.
Tài xế công nghệ thường xuyên phải làm việc trong môi trường vất vả, không có ngày nghỉ |
Độc LẬP |
Tài xế công nghệ làm việc từ 9,2 – 11,2 giờ/ngày
Theo kết quả nghiên cứu “Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của tài xế công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm”, do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện đầu năm 2022, cả nước có khoảng 200.000 tài xế công nghệ (mô tô, ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Trong đó, có gần 50% tài xế công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM; phần lớn là người ngoại tỉnh, nữ chiếm 5%.
Nghiên cứu bước đầu với sự tham gia của các tài xế công nghệ của Công ty Grab cuối năm 2021 cho thấy, các tài xế công nghệ có xuất thân đa dạng từ tài xế xe truyền thống chuyển sang, lao động tự do, sinh viên, công nhân, người buôn bán nhỏ; 25% tài xế có trình độ tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ có trình độ cao đẳng trở lên là 26%.
Đáng chú ý, có 2/3 các tài xế công nghệ đã có gia đình và 60% trong số họ đang gánh trách nhiệm lớn lao là kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Trong khi, thu nhập từ nguồn tài xế xe máy bình quân là 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; tài xế ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng).
Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ từ công ty cung ứng dịch vụ với mức khá thấp và không thường xuyên.
Mặc dù mức thu nhập không cao, song tài xế công nghệ phải làm việc rất căng thẳng. Tài xế xe máy 9,2 giờ/ngày, tài xế ô tô 11,2 giờ/ngày; các ngày lễ, tết, ngày nghỉ dường như không có và chịu áp lực giao sớm/đúng giờ…Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả: thời tiết, đường xá, va quệt, tai nạn; chịu áp lực từ khách hàng; mất, hỏng hàng hóa thậm chí cả vấn đề quấy rối tình dục và nhiều hành vi nguy hiểm khác.
Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐVN cũng chỉ ra, phần lớn các tài xế công nghệ không chú ý tới việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là nhóm lái xe ít tuổi, thâm niên lái xe thấp: Chỉ có 42% đã được nghe đến các chế độ an sinh xã hội và 67% không rõ gồm những chế độ gì; biết và nghe về BHXH tự nguyện là 66%, BHYT tự nguyện là 89%.
Đề xuất mở rộng chính sách an sinh xã hội đối với tài xế công nghệ
Trong văn bản gửi Bộ LĐ-TB-XH góp ý về chính sách an sinh, cải thiện điều kiện việc làm cho đối tượng tài xế xe công nghệ, Tổng LĐLĐVN cho rằng cần phải tập trung nghiên cứu về thực trạng điều kiện lao động, việc làm; khả năng tiếp cận và tham gia, hưởng lợi từ các chương trình, dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là BHXH và BHYT.
Từ kết quả nghiên cứu trên, Tổng LĐLĐLVN đề xuất Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty đang cung cấp dịch vụ nền tảng, ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử – lái xe công nghệ (Grab, Now, Be, Gojek, Aha…) để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, công đoàn cũng đề nghị tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện luật BHXH, luật BHYT và các chính sách khác để tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình an sinh xã hội cho đối tượng lao động tự do nói chung và nhóm tài xế công nghệ nói riêng, theo hướng mở rộng, linh hoạt, phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tế về việc làm, thu nhập của các đối tượng trong thời gian tới. Khi nghiên cứu hoàn chỉnh các chính sách an sinh xã hội, cần lưu ý các chế độ liên quan đến lao động nữ như: chế độ thai sản, bảo vệ sức khỏe sinh sản, thúc đẩy bình đẳng giới…
Theo Tổng LĐLĐVN, tài xế công nghệ là những người có thiết bị và hiểu biết nhất định trong sử dụng thiết bị và nền tảng công nghệ. Do vậy, cần hỗ trợ tài xế công nghệ đăng ký tham gia và hướng dẫn họ thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT thông qua các app công nghệ.
Tận dụng lợi thế này, Tổng LĐLĐVN kiến nghị cơ quan BHXH nên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ nền tảng hỗ trợ các tài xế công nghệ tiếp cận, tham gia vào quá trình phát triển hệ thống an sinh thuận tiện, phù hợp với đặc điểm việc làm, nghề nghiệp của họ.
Thông qua kết quả nghiên cứu, Tổng LĐLĐVN cũng sẽ căn cứ nhu cầu thực tiễn của tài xế công nghệ để sớm có các hình thức, thu hút và tập hợp lái xe phù hợp để mở rộng mạng lưới công đoàn cơ sở; tăng cường hỗ trợ nhóm đối tượng này nhằm góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, cải thiện điều kiện làm việc cũng như khả năng tiếp cận tham gia vào các chương trình, dịch vụ an sinh xã hội cho người lao động, nhất là BHXH và BHYT.
Nguồn: thanhnien.vn