Ông Nguyễn Văn Tuấn bị bệnh suy thận giai đoạn cuối, đái tháo đường kéo theo các bệnh lý: Tăng huyết áp, thiếu máu, suy kiệt, suy tim… Hiện ông không thể đi lại được và đang lọc máu định kỳ.
Ông Tuấn hỏi: “Vậy tôi có thể rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hay không? Nếu được rút thì thủ tục như thế nào?”.
Cùng hoàn cảnh như ông Tuấn, ông Huỳnh Tấn Tài bắt đầu điều trị lọc máu định kỳ tại bệnh viện từ tháng 4/2022. Đến tháng 6/2021, ông Tài phải nghỉ việc do sức khỏe kém và thường xuyên nghỉ để đi lọc máu nên không đáp ứng được công việc. Ông Tài không biết mình đủ điều kiện để rút BHXH một lần hay không.
Theo BHXH Việt Nam, điều kiện hưởng BHXH một lần được quy định tại Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 và Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022.
Căn cứ quy định trên, người lao động có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong những trường hợp sau.
Thứ nhất là người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đủ 55 tuổi khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ hai là người lao động sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH.
Thứ ba là người lao động ra nước ngoài để định cư.
Thứ tư là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS; người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Như vậy, trong trường hợp ông Tuấn và ông Tài chưa đóng BHXH đủ 20 năm có thể rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc 1 năm.
Nếu không thuộc trường hợp trên, hai ông có thể xem xét mình có đạt các điều kiện để rút BHXH một lần trong trường hợp thứ tư hay không.
Theo BHXH Việt Nam, bệnh suy thận mạn và điều trị lọc máu nhân tạo không phải là một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng được quy định.
Tuy nhiên, nếu bệnh này ảnh hưởng, làm người lao động suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần.
Thành phần hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm: Sổ BHXH, đơn đề nghị hưởng BHXH một lần.
Trường hợp mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì cần có thêm Biên bản giám định mức suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên của Hội đồng Giám định y khoa thể hiện tình trạng không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Trong trường hợp người lao động muốn thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định kèm theo bản chính bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
Nguồn: dantri.com.vn