Mức chi trả BHYT và danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người bệnh BHYT. Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh UT cũng được được đưa vào danh mục chi trả của BHYT.
UT là nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi khám chữa bệnh sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được quỹ BHYT chi trả. Nhờ đó, người bệnh vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm tiếp tục điều trị.
Trước đề xuất mới của Bộ Y tế về điều chỉnh danh mục thuốc BHYT, tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận với các loại thuốc mới, đặc biệt là trong điều trị UT, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay: “Hiện BHXH VN đang đề nghị phía Bộ Y tế cung cấp danh mục, chúng tôi chưa nắm được danh mục gồm loại thuốc nào, bệnh mới là bệnh nào? Ai cũng muốn quyền lợi của người bệnh được đảm đảo, nhất là trong bối cảnh thiếu thuốc, thuốc vật tư ảnh hưởng đến người bệnh”.
Theo ông Hòa, người bệnh nặng nói chung, đặc biệt là bệnh nhân UT 100% đều có thẻ BHYT, nếu không sẽ không chịu nổi bởi chi phí điều trị quá lớn. Hiện nay, quỹ BHYT chi trả chi phí thuốc cho bệnh nhân UT chiếm tỷ trọng cao, nằm trong nhóm cao nhất bởi thuốc UT đa phần là biệt dược, thuốc đắt tiền.
Về những lo ngại quỹ BHYT sẽ thêm gánh nặng chi trả tiền thuốc khi từ 1.1.2025, theo luật BHYT, bệnh nhân UT không cần chuyển tuyến mà có thể lên thẳng các cơ sở KCB chuyên sâu, Phó tổng giám đốc BHXH VN bày tỏ: “Quan điểm của BHXH VN ngay từ đầu ủng hộ và thống nhất với chủ trương trên. Chúng ta không thể sử dụng rào cản hành chính để ngăn người bệnh tiếp cận chỗ điều trị chuyên khoa sâu. Đã bị bệnh UT thì ai cũng phải đến chuyên khoa sâu để điều trị. Thay vì để người bệnh đi lòng vòng, nhiều thủ tục phiền hà, nhiêu khê, xin giấy chuyển các cấp thì người bệnh có thể đến thẳng bệnh viện chuyên khoa sâu để chữa”.
Theo ông Hòa, vấn đề sử dụng thuốc hiệu quả trong điều trị UT rất quan trọng đối với người bệnh. Có những thuốc thanh toán BHYT cho bệnh nhân UT hiện nay vẫn đang theo tỷ lệ, có phần đóng góp của người bệnh rất lớn. Ai cũng mong muốn mở rộng danh mục thuốc BHYT, mở rộng thêm quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc UT như thế nào, vấn đề tiên lượng ra sao cho đúng vẫn phụ thuộc vào khả năng chi trả của quỹ BHYT.
Theo thống kê của BHXH VN, hết năm 2023, cả nước có khoảng 93,6 triệu người tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân. Trong năm 2023, quỹ BHYT chi 124.300 tỉ đồng với hơn 174,8 triệu lượt người KCB BHYT.
Đến hết tháng 6.2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 6,563 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền giám định, thanh toán hơn 66.920 tỉ đồng.
Nguồn: thanhnien.vn