Có những loại thuốc nội mà giá của nó khiến người nghe không khỏi giật mình vì nó “siêu” rẻ.
33 đồng 1 viên thuốc
Trong danh sách thuốc đấu thầu vào Bệnh viện (BV) Da liễu (TP.HCM), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thuốc Clorpheniramin maleat 4 mg (hoạt chất Chlorpheniramin (hydrogen maleat), số đăng ký VD12153-10 do Công ty cổ phần dược S.Pharm đấu thầu chỉ với giá 33 đồng/viên, số lượng trúng thầu 75.000 viên. Đây là thuốc kháng dị ứng rất phổ biến trên thị trường, có đến hàng chục công ty sản xuất, nếu ra nhà thuốc mua lẻ thì có giá 2.000 đồng/vỉ 20 viên, quy ra cũng chỉ 100 đồng/viên. Theo nhân viên tại một hiệu thuốc bán lẻ, cùng chủng loại này, nếu là thuốc của Mỹ liên danh có giá 500 đồng/viên. Trong quá trình tìm hiểu của PV thì có thể đây là loại thuốc VN sản xuất có giá rẻ nhất.
tin liên quan
Đấu thầu thuốc kiểu ‘xả láng’
Trong danh sách đấu thầu thuốc của BV Da liễu còn có thuốc khác mà giá một viên không bằng một viên kẹo, đó là Fexophar 60 mg (hoạt chất Fexofenadin hydroclorid) kháng dị ứng, số đăng ký VD-18386-13 của Công ty cổ phần dược phẩm TV.Pharm đấu thầu với giá 358 đồng/viên, số lượng trúng thầu 5.000 viên. Thuốc của một số nước khác cùng hoạt chất hiện có bán trên thị trường có giá 3.000 – 4.000 đồng/viên.
Tại BV Q.12 (TP.HCM) cũng có cả chục loại thuốc VN có giá “siêu” rẻ, từ 100 – 400 đồng/viên. Cụ thể, thuốc Agifuros 40 mg (lợi tiểu), số đăng ký VD-14224-11 của Công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm với số lượng bán rất lớn: 60.000 viên, giá chỉ 115 đồng/viên. Loại thuốc này của một số nước là 3.000 đồng/viên. Nhưng hàng ngoại không được nhập chính thức nữa, chỉ bán “hàng chìm” (xách tay). Thuốc Agirenyl 5000 IU (vitamin A) cũng của Agimexpharm, số đăng ký VD-14666-11, giá 238 đồng/viên (loại này chỉ còn VN sản xuất). Thuốc Kanausin 10 mg, số đăng ký VD-18969-13 của Công ty cổ phần dược phẩm Khánh Hòa giá chỉ 100 đồng/viên. Thuốc ngoại nhập có giá 2.000 – 2.500 đồng/viên được bán ngoài thị trường.
BV Q.Tân Phú (TP.HCM) mua thuốc Domperidon (thuốc điều trị dạ dày) với giá 64 đồng/viên. Loại thuốc này ở các nước nhập vào VN bán với giá từ 2.000 – 2.500 đồng/viên; thuốc Thái Lan là 2.000 đồng/viên. Thuốc Panactol 325 mg (giảm đau, hạ sốt) trúng thầu với giá 84 đồng/viên; thuốc này các hãng sản xuất bán hoặc nhập về VN có giá từ 300 – 500 đồng/viên. Thuốc Acetylcystein (long đàm) của VN trúng thầu có giá 421 đồng/gói; loại này thuốc nhập hoặc liên danh sản xuất có giá từ 4.400 – 5.000 đồng/gói.
BV Q.6 (TP.HCM) mua thuốc Clazen 5 mg (hoạt chất Levocetirizin) với giá 304 đồng/viên. Đây là thuốc kháng dị ứng có số đăng ký VD-14328-11 của Công ty cổ phần dược phẩm Khánh Hòa.
Thuốc ngoại nhập có giá bán 8.000 đồng/viên. BV cũng mua loại thuốc khác của Khánh Hòa là Kacetam pluc (hoạt chất Piracetam + Cinnarizin), trị các bệnh lý về não, số đăng ký VD-21316-14 với giá chỉ 305 đồng; loại này thuốc ngoại nhập (Ấn Độ, Hàn Quốc) giá 2.700 – 2.800 đồng/viên. Nhiều câu hỏi đặt ra: Vậy các loại thuốc siêu rẻ mà các công ty của VN sản xuất thì hiệu quả điều trị ra sao?
|
Không tin chất lượng ?
Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM, nghi ngờ về chất lượng điều trị với một số loại thuốc VN (kể cả thuốc ngoại nhập từ một số nước châu Á). Một số loại thuốc tiêm, bản thân ông thấy liều sử dụng cho bệnh nhân lâu hết hơn thuốc ngoại có uy tín cùng chủng loại.
tin liên quan
Mổ đứt dây chằng chéo: Bệnh viện ‘phụ thu’ 40 triệu đồng ngoài chi phí BHYT trả
Một giảng viên, BS điều trị tại TP.HCM cho rằng bản thân không tin dùng một số loại thuốc giá quá rẻ, bởi thuốc “siêu” rẻ thì làm gì có chất lượng (?). Việc sử dụng thuốc kém chất lượng thay vì điều trị vài ba ngày hết bệnh thì bệnh nhân phải tốn thời gian cả tháng.
Theo ông Nguyễn Duy Thuận – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV TP.HCM, BS lâm sàng đúng ra họ có quyền sử dụng thuốc nào cho bệnh nhân nào, nhưng họ bị trói tay bởi bảo hiểm y tế (BHYT) nên họ không có quyền chọn lựa. Thay vì bệnh nhân được sử dụng thuốc 3 ngày hết bệnh nhưng họ được điều trị theo giá rẻ nhất, ngày điều trị của họ bị kéo dài đến 9 – 10 ngày. Như vậy, cả BS và bệnh nhân đều bị tác động.
Một chuyên gia ngành dược chia sẻ đặt câu hỏi: Một số loại thuốc của VN và một số nước (Ấn Độ chẳng hạn) giá rẻ kỳ lạ, làm người trong ngành hỏi nhau làm sao thể sản xuất thuốc với giá thành đó? Thậm chí nếu làm viên chỉ có bột mì cũng không rẻ đến vậy (?!).
Theo chuyên gia này, ngoài những lợi thế về nhân công rẻ hay tiết giảm chi phí sản xuất, marketing, ăn bớt hoạt chất, thì điều dễ nhận thấy là nguồn nguyên liệu bao gồm hoạt chất và tá dược sẽ được lựa chọn loại rẻ nhất, kèm theo nguy cơ về tạp chất ở nguyên liệu rẻ tiền. Không phải ngẫu nhiên mà nguyên liệu từ các nguồn uy tín của châu Âu, Mỹ có giá đắt hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với nguyên liệu rẻ tiền (thường từ nguồn một số nhà máy ở Ấn Độ, Trung Quốc). Hoạt chất vẫn thế nhưng yếu tố quyết định chính là độ tinh khiết, hàm lượng tạp chất cực thấp mà chỉ một số nhà máy nguyên liệu uy tín mới có thể đạt được. Hàng rẻ thì lượng tạp chất cao.
“Dường như nguy cơ hiện hữu về thuốc giả, thuốc kém chất lượng không được quan tâm bằng giá thuốc, nói cách khác là chất lượng thuốc còn bị xem nhẹ. Xin hãy suy nghĩ liệu có phải thật sự tiết kiệm hơn không khi dùng thuốc rẻ kém tác dụng, bệnh lờn thuốc, thời gian điều trị tăng kèm gia tăng nguy cơ. Cho đến giờ ngành y tế vẫn chưa có đánh giá chính thức nào về vấn đề này. Tại sao không đạt mục tiêu tăng chất lượng thuốc thay vì kéo giảm giá thuốc nhiều năm như vậy?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Nếu nói thuốc rẻ đạt chất lượng hay không thì cần phải đo lường. Nhưng nếu nói về mặt kinh tế y tế, giá viên thuốc như vậy thì giá trị bột mì (tá dược để làm thuốc) cũng không đủ. Chúng ta lấy giá hoạt chất, cộng với giá nguyên liệu (chiếm 70% giá viên thuốc), chưa tính lương công nhân, điện nước, khấu hao, viên thuốc vài chục đồng này chắc chắn là lỗ.
Ông Nguyễn Duy Thuận (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị BV TP.HCM)
|
Để đánh giá chất lượng thuốc phải trên cơ sở các yếu tố: công nghệ, nguồn nguyên liệu, dạng bào chế, thuốc thuộc nhóm kỹ thuật nào (hiện có 5 nhóm kỹ thuật). Các thuốc khi được cấp phép lưu hành đều đã phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng được quy định bởi cơ quan thẩm quyền (Bộ Y tế) và chịu sự giám sát chặt chẽ về chất lượng của Bộ Y tế. Do đó thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành, được tham gia đấu thầu đều đã phải đảm bảo các yếu tố về pháp lý nên không thể nói thuốc rẻ là thuốc không đạt chất lượng. Ngoài ra, giá thành của thuốc còn liên quan đến các chi phí khác như quảng cáo. Nếu tiết kiệm các chi phí này thì cũng giúp giảm giá thành, giá thuốc sẽ giảm hơn. Do đó, nếu trong cùng nhóm kỹ thuật thì có thể so sánh tương đối “tiền nào của đấy” còn với các thuốc nói chung khi đã được cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế thì đều phải là thuốc đảm bảo các yêu cầu về pháp lý, về chất lượng cho điều trị.
Ông Phạm Lương Sơn (Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN)
Liên Châu (ghi)
|
Nguồn: thanhnien.vn