Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Duy Cường – phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – cho biết Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.
Tuy nhiên, tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và lao động nữ được kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, tức không có sự thay đổi về tính tỉ lệ hưởng lương hưu.
Luật mới chỉ bổ sung quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm để đồng bộ với quy định giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Bởi luật hiện hành không có quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu trong trường hợp lao động nam có thời gian đóng dưới 20 năm.
“Như vậy, cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu cơ bản giữ như hiện hành”, ông Cường nói.
Cụ thể, lao động nữ đủ điều kiện nhận lương hưu thì tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ bằng 45%, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Lao động nam đủ điều kiện nhận lương hưu thì tỉ lệ hưởng lương hưu sẽ bằng 45%, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Điểm chung là sau khi đạt tỉ lệ hưởng lương hưu bằng 45%, cứ mỗi năm đóng thêm, người lao động được tính thêm 2% song mức tối đa là 75%.
Đối với lao động nam có thời gian đóng từ 15-20 năm, tỉ lệ hưởng lương hưu tính bằng 40% tương ứng với 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Bà Đinh Thị Thu Hiền – phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) – lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2%.
Trường hợp có thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu, còn từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.
Nguồn: tuoitre.vn